Chí Linh (Hải Dương) – vùng đất nổi tiếng bởi địa linh nhân kiệt, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, một địa danh gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Duệ… hiện đang chuyển mình mạnh mẽ thành một đô thị hiện đại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chí Linh đang chung tay xây dựng một chương trình kinh tế xã hội đầy năng động, hòa nhịp với sự phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chí Linh Trong những năm qua, Huyện uỷ, HĐND và UBND huyện Chí Linh luôn khuyến khích phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến Chí Linh đầu tư xây dựng nhà máy. Chính nhờ đó, tình hình sản xuất công nghiệp của huyện phát triển ổn định trong nhiều năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2009, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 2.218,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo môi trường tốt cho nền sản xuất hàng hoá và nâng cao trình độ văn minh thương mại hiện đại. Huyện cũng tập trung đầu tư hoàn thiện các hệ thống hạ tầng cho du lịch, tôn tạo các khu di tích lịch sử nhằm đưa Chí Linh trở thành một mắt xích quan trọng trong ngành du lịch quốc gia. Những năm gần đây, Chí Linh đã trở thành điểm sáng trên bức tranh kinh tế của toàn tỉnh Hải Dương, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông – lâm – thủy sản; công nghiệp; thương mại dịch vụ là: 17,6%; 68,6%; 13,8%. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2009, tổng sản phẩm trong huyện đã đạt 1.294,8 tỷ đồng, (trong đó, nông, lâm, thủy sản đạt 153,1 tỷ đồng; công nghiệp và xây dựng đạt 977,4 tỷ đồng; thương mại dịch vụ đạt 164,3 tỷ đồng). Trước nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng thương mại đã chớp thời cơ chọn Chí Linh-Sao Đỏ làm địa điểm đặt các văn phòng giao dịch. Sự có mặt của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn huyện đã giúp cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Chí Linh có đủ vốn để tăng trưởng, giúp thị trường tiền tệ tại địa phương phát triển ổn định, bền vững. Vào thời điểm này, diện mạo của Chí Linh đang thay đổi từng ngày. Tại Thị trấn Sao Đỏ, những tòa nhà sơn mới cùng muôn vàn biển hiệu thương mại mọc lên san sát. Trên các tuyến phố lớn xuất hiện nhiều showrom trưng bày sản phẩm xe máy, hàng điện máy cao cấp tấp nập người ra vào. Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh của tư nhân chen khắp các tuyến phố, với đủ các chủng loại mặt hàng từ trà khô, bánh kẹo, bột giặt cho đến mỹ phẩm, trang sức… Phía sau thị trấn là những công trường xây dựng rộng thênh thang, với những máy xúc, máy ủi, xe tải và các tay thợ miệt mài bên các hố móng rộng như mặt sân lớn. Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, tại đây sẽ mọc lên những khu thương mại, khu đô thị mới bề thế và sầm uất. Theo hướng chỉ tay của chị cán bộ Văn phòng UBND huyện, chúng tôi đã nhìn thấy hình thù của những cung đường, cống nước, tường bao… Khu trung tâm văn hóa thể thao, thương mại và đô thị Chí Linh quy mô 66,2985ha đã được khởi công xây dựng. Khu du lịch, dịch vụ và dân cư Hồ Mật Sơn quy mô 96,367ha đã hình thành tạo cho cảnh quan thị trấn càng thêm thoáng đạt. Khu dân cư thị trấn Sao Đỏ quy mô 17,8ha với các công trình nhà ở, công trình công cộng đã được hoàn tất đang dần được lấp đầy và hệ thống các khu đô thị mới, với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng cũng đang dần mọc lên. Kế cận Thị trấn Sao Đỏ là hàng loạt các cụm công nghiệp đã và đang hình thành như: Cụm Công nghiệp Văn An, Cụm công nghiệp Chí Minh, Cụm công nghiệp Cộng Hòa…
Chí Linh hôm nay còn đang đứng trước một “kho báu vô tận”, đó chính là nguồn khoáng sản có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế như: đất Cao lanh trữ lượng 40 vạn tấn; sét chịu lửa 8 triệu tấn; đá, cát vàng phục vụ xây dựng và mỏ than nâu trữ lượng hàng tỷ tấn... Chính lợi thế này đã giúp Chí Linh thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về đây để lập nhà máy, xây nhà xưởng sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện có trên 50 nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất của Trung ương, của tỉnh và cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Công ty lắp máy, Công ty Seidensticker Việt Nam, Mỏ đất chịu lửa Trúc Thôn… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất với các hình thức hợp tác từ thấp tới cao đang phát triển mạnh mẽ, thu hút thêm hàng vạn lao động vào làm việc với mức thu nhập ổn định.
Con người Chí Linh cần cù, chịu khó còn được đào tạo bài bản qua hệ thống các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn. Đây là một nguồn nhân lực dồi dào có chất xám cao, cung cấp đủ cho các nhà máy, khu công nghiệp. Với sự chung sức, đồng lòng, chắc chắn những người con của quê hương Chí Linh hôm nay sẽ kế thừa truyền thống cha ông để viết tiếp lên những huyền thoại mới trên mảnh đất linh thiêng này.
|