Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 được xác lập sau hơn 1 năm khi TCty Sông Đà làm chủ đầu tư triển khai thi công công trình Thủy điện Nậm Chiến 1 với tổng công suất tới 200MW, lấy nguồn nước của dòng suối Chiến bắt nguồn từ vùng cao Yên Bái đổ ra Sông Đà (đoạn Tạ Bú – Mường La). Thủy điện Nậm Chiến 2 gồm hai tổ máy, công suất 32MW do Cty CP Đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc (thành lập tháng 8/2006) làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 700 tỷ đồng.
Công trình được khởi công đầu năm 2007 trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mặt bằng địa chất nền móng đập lòng sông vô cùng phức tạp. Trận lũ đầu mùa năm 2008 đã cuốn trôi hàng vạn tấn đất, đá, VLXD và công sức của các đơn vị thi công ra sông Đà. Khó khăn còn được chất thêm cho nhà đầu tư bởi trong năm 2008, cơn khủng hoảng tài chính trong nước và thế giới làm cho nền kinh tế càng trở nên khó khăn. Mặc dù vậy, HĐQT và lãnh đạo Cty CP Đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc vẫn vững tâm, kiên trì huy động tìm kiếm các nguồn vốn, động viên các nhà thầu thi công, quyết tâm thực hiện bằng được các chỉ tiêu, tiến độ như: Khoan đào gần 3km đường hầm dẫn nước, đào đắp và đổ 11.500m3 bê tông đập tràn, hoàn thành đắp đập dâng, thi công cửa nhận nước… đạt yêu cầu chống lũ vào quý I/2009. Từ thắng lợi này, toàn công trường đã hưởng ứng đợt phát động thi đua lao động, sản xuất liên tục 200 ngày đêm nhằm hoàn thành xuất sắc, đưa tổ máy số 1 hòa điện lên lưới quốc gia vào tuần đầu tháng 10/2009, vượt tiến độ trước 1 năm.
Thủy điện Nậm Chiến 2 tuy không là dự án lớn nhưng cũng thuộc loại nhà máy mang công suất tầm trung mà đã hoàn thành xây dựng trong vòng chưa đầy 34 tháng là tốc độ kỷ lục chưa từng có so với nhiều dự án đã khởi công trước đó hàng năm. Việc đưa vào phát điện lên lưới Quốc gia của tổ máy số 1 thủy điện Nậm Chiến 2 sớm hơn dự định 1 năm không những góp phần tăng thêm lượng điện quốc gia, mà còn có vai trò lớn trong việc cung ứng kịp thời, gần nhất góp phần điều hòa nguồn điện phục vụ cho thi công, công trình xây dựng Thủy điện Sơn La, vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm nhiều tổn thất điện năng, thay vì từ lâu nay công trình trọng điểm Sơn La đã phải dùng năng lượng kéo từ hai nguồn ở xa cấp về, từ đường dây Thái Nguyên – Việt Trì và Hà Giang.
|