Nhà sạch thì mát



 










Nhà có sân vườn nhưng cần gọn ghẽ để gió lưu thông – Ảnh: Xuân Trang


(TNTT&GT) Có khi nào bạn gặp trường hợp nhà đặt ở hướng đón gió tốt, có hệ thống thông gió phù hợp, nhưng sao vẫn thấy bức bối khó chịu?


Hãy kiểm tra lại các giải pháp nội ngoại thất, từ đó nhận diện các nguyên nhân gây cản trở sự lưu thông không khí và làm nhà nóng nực hơn, như một số trường hợp xử lý chưa tốt dưới đây:


• Dùng quá nhiều những kết cấu đặc gây cản gió, như lan can xây gạch kín, mảng trang trí, thậm chí trổ nhiều cửa nhưng ít mở hoặc lắp kính cố định (ngại va đập, mưa tạt hoặc cảm giác thiếu an toàn). Việc chia nhiều phòng cũng góp phần cản gió, đồng thời gây cảm giác chật chội và ngăn cách, tạo thêm nhiều bề mặt tỏa nhiệt.


• Trồng cây quá nhiều, nhất là những cây lá dày, rậm rạp kề cận nhà.








 

Vườn sỏi trong không gian nhỏ để  “dễ thở” – Ảnh: Xuân Trang


Mặc dù cây có khả năng lọc bụi, cản bụi nhưng đồng thời cũng cản gió, lưu bụi trên bề mặt lá. Cảm giác “mát mắt” đôi khi khiến gia chủ dùng cây xanh như một biện pháp làm tươi mát ngôi nhà, thế nhưng cây xanh chỉ là một trong rất nhiều cách giảm nóng mà thôi.


• Bố trí quá nhiều vật dụng, nhất là các vật dụng đặc kín, thiết bị máy móc tỏa nhiệt nhiều.








 

Nội thất đơn giản giúp mát mắt – Ảnh: Xuân Trang


Ngay cả rèm cửa bằng vải dày, bàn ghế nệm cũng là các vật tích bụi và cản gió.


Mỗi khi dọn dẹp nhà cửa, bụi bặm sẽ được… tung lên mù mịt rồi tiếp tục lưu lại trên các bề mặt đồ vật gây nên nhiều mầm bệnh.


“Nhà sạch” cần hiểu theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng để môi trường ở trong lành hơn.








 

Khoảng trống quanh nhà được mềm hóa bởi cây cỏ – Ảnh: Xuân Trang


• Thiếu các bề mặt “mềm” như thảm cỏ, mặt nước… cũng khiến ngôi nhà dù có đầy gió vẫn nóng do các bề mặt cứng như sân gạch, bê tông, đường sá… hấp thụ nhiệt rồi phản xạ vào nhà.


Việc dùng nhiều vật liệu “ấm” như thảm len hay gỗ cũng khiến ngôi nhà ở vùng nhiệt đới nóng hơn so với nhà ở vùng ôn đới hay hàn đới. 


Như vậy, làm ngôi nhà “sạch” về mặt vệ sinh cũng như thẩm mỹ tức là biết chắt lọc các vật liệu, kết cấu, bố trí đồ đạc… sao cho hợp với điều kiện khí hậu chung quanh. Chủ nghĩa tối thiểu (minimalism) hay phong cách Thiền (Zen) trong kiến trúc gần đây đang phát triển mạnh chính là xuất phát từ thực tế mong muốn giảm thiểu vật dụng trang trí rườm rà, tạo nhiều khoảng trống để ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát hơn.


Xuân Trang









Chia sẻ với bạn bè qua:





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *