Khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong

Dự án cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng… hôm qua khởi công tại Vạn Ninh, Khánh Hòa.

Cảng trung chuyển quốc tế Vân phong có diện tích 750 ha. Tại lễ khỏi công ở xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hoà,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, “cảng là động lực cho sự phát triển khu kinh tế Vân phong và của cả nước”.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Vịnh Vân phong nằm phía bắc Khánh Hòa, là cảng nước sâu số một trong khu vực, có lợi thế rất lớn về khả năng tránh bão và gió mùa. Độ sâu luồng vào cảng đạt hơn 22 m, có chỗ tới gần 40 m, luôn ổn định, không bị phù sa bồi lấp, tiết kiệm đáng kể chi phí cho công tác nạo vét luồng cảng. Với ưu thế về độ sâu tự nhiên có sẵn, việc xây dựng cảng Vân phong có thể tiết kiệm hàng tỷ USD.

trong quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, vịnh Vân phong là địa điểm duy nhất được bố trí làm cảng trung chuyển quốc tế, là điểm nhấn trong chiến lược biển quốc gia. Độ sâu tự nhiên của Vân phong đủ sức đón tàu chở dầu hoặc tàu container lớn nhất thế giới.


Vịnh Vân phong. Ảnh: Tintuc.
 

trong khu vực Đầm Môn, tốc độ dòng chảy khoảng 20 – 25 cm/giây, rất phù hợp cho tàu vào cảng bốc xếp hàng. Cửa vào khu vực này chỗ hẹp nhất cũng đạt tới 400 m, cho phép các tàu lưu hành hai chiều thuận tiện và an toàn. Khu vực Đầm Môn có diện tích khoảng 35 km2, có thể tạo ra chiều dài cầu cảng khoảng 70 km. Khi mở cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế đúng với năng lực, Vân phong đủ khả năng cạnh tranh với các cảng container lớn trong khu vực.

Theo ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES), sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cảng trung chuyển quốc tế Vân phong không chỉ đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hoá container, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới mà còn làm thay đổi phương thức vận tải, hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, không phụ thuộc các cảng trong khu vực nữa.

Ông Doãn Mạnh Dũng, phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế biển TpHCM, cho biết: “Singapore có cảng trung chuyển quốc tế, góp phần phát triển kinh tế rất tốt. Cảng trung chuyển quốc tế Vân phong phát triển cũng sẽ rất quan trọng đối với an ninh biển đảo Việt Nam”.

Cần nối với các nước trong khu vực

Cảng trung chuyển quốc tế Vân phong được xây dựng tại bờ đông vũng Đầm Môn, phía tây bán đảo Hòn Gốm. Việc xây dựng cảng được chia làm bốn giai đoạn. Sau khi hoàn chỉnh, cảng gồm 25 bến cho tàu container sức chở đến 15.000 TEU (1 TEU = 1 container 20 feet) và 12 bến cho tàu feeder (tàu container nhỏ, tàu tuyến nhánh).

Diện tích toàn cảng là 750 ha, chiều dài bến 11.880 – 12.590 m. Tổng kinh phí của dự án trong giai đoạn khởi động lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, được huy động bằng nguồn vốn tự có của chủ đầu tư, các khoản vay thương mại từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Theo kế hoạch, liên danh nhà thầu xây dựng là Tổng công ty Xây dựng công trình đường thủy (Vinawaco) và SK Engineering Construction (Hàn Quốc) phải hoàn thành và đưa vào khai thác công trình vào năm 2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạ “Yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để sớm đưa cảng đi vào hoạt động. Dự án đảm bảo tiến độ, môi trường, an ninh chính trị trên địa bàn… Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xây dựng quy chế vận hành cảng trung chuyển quốc tế phù hợp đặc thù Việt Nam và thông lệ quốc tế để kêu gọi sự hợp tác của các nhà đầu tư”.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm phi cho biết: “Cảng trung chuyển giữ vai trò chủ đạo trong Khu kinh tế Vân phong. Cùng với các dự án hiện hữu, có nhiều dự án đang triển khai như kho xăng dầu ngoại quan, khu đô thị Vạn Thắng, dự án lọc hóa dầu petrolimex, dự án nhiệt điện Sumitomo… Giai đoạn 2010-2013, khu kinh tế Vân phong sẽ là trung tâm kinh tế quan trọng”.

Tuy nhiên, sự phát triển cảng trung chuyển quốc tế vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Ông Doãn Mạnh Dũng cho rằng: “phát triển cảng trung chuyển không phải đơn thuần xây dựng cầu cảng mà cần có chương trình tổng thể. Cần xây dựng khu kinh tế mở, quy hoạch chi tiết thành phố Vân phong, mở đường từ đây lên Tây Nguyên, để sang Thái Lan, Lào, Campuchia…, nối Vân phong với Bangkok, để các nước gắn với nhau phát triển kinh tế”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *