Chuyện các nhà thầu bị thiệt hại, thậm chí thiệt hại nặng do ách tắc trong công tác GpMB diễn ra đã lâu nay và là vấn đề báo chí đã tốn không ít giấy mực vào cuộc. Đơn cử mới nhất là dự án đường vành đai 3 (công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long), đi qua địa bàn Q.Thanh Xuân, chỉ có chiều dài 2,34km, với 1.467 chủ sử dụng đất (gồm 1.453 hộ dân và 14 cơ quan) nằm trong diện phải di dời. Dù công tác GpMB được triển khai từ tháng 10/2001 mà mãi đến cuối tháng 9/2009 vừa qua, bằng các đợt ra quân quyết liệt của chủ đầu tư, Q.Thanh Xuân thì công tác GpMB mới cơ bản hoàn thành và “nút thắt” trường kỳ (Thanh Xuân) trên đường vành đai 3 Hà Nội mới được khai thông.
Theo nhiều nhà thầu, GpMB là công tác khó khăn, ảnh hưởng nặng nề nhất đến việc triển khai thực hiện và kết quả một dự án. Bởi việc chậm trễ trong GpMB ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Thêm vào đó do dự án kéo dài nên nhiều khoản phát sinh không được thanh toán. Vì thế dự án bị chậm đưa vào khai thác đồng nghĩa với việc ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư. Đó là chưa kể đến việc Nhà nước cũng bị thiệt hại do phải chi phí thêm trong nhiều năm nhiều khoản (tư vấn, thành lập trả lương cho Hội đồng đền bù…). Dù vậy theo các nhà thầu, các khoản thiệt hại trên chưa thấm tháp gì so với các cơn bão giá sắt thép, xăng dầu và vật liệu xây dựng lâu nay đã là chuyện thường ngày. Chính sự trượt giá thường xuyên và quá lớn này đã khiến không ít nhà thầu trụ nổi. Vì thế, Nghị định 69/2009/NĐ-Cp của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, hỗ trợ và tái định cư chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 mới đây, theo ý kiến của nhiều nhà thầu đã có những tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi không nhỏ cho họ khi triển khai thực hiện dự án. Bởi Nghị định đã giải quyết, tháo gỡ được nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý sử dụng đất, GpMB vì những quy định thay đổi tích cực về quy trình thủ tục (từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến thu hồi đất, bồi thường…). Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp nên tránh được sự chồng chéo giữa các cấp. Và công tác tái định cư được tách bạch cụ thể giữa bồi thường và hỗ trợ. Giá đền bù cao cũng là động lực để người dân tích cực hợp tác hơn trong công tác giải toả, đền bù… Theo ý kiến của không ít nhà thầu, thực tế họ hiện đang phải đối mặt với khó khăn mới trong công tác GpMB. Bởi văn bản hiện tại quy định giá đền bù được tính từ thời điểm Nghị định 69 có hiệu lực từ 1/10/2009, nên rất nan giải, nhất là với các dự án đã triển khai trước đó (đặc biệt các dự án mở đường giao thông đô thị) nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng, giờ đang rất bức xúc nên gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư, các nhà thầu. Không ít hộ dân ở một số dự án đã bàn giao mặt bằng, giờ thấy quy định mới về giá đền bù cao hơn nhiều quy định giá đền bù cũ nên đã tái lấn chiếm phần mặt bằng đã bàn giao trước đó, khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng. Đặc biệt các dự án BT (xây dựng – chuyển giao), giá đền bù tăng nhiều dẫn đến thực tế tổng mức đầu tư đội lên cao, trong khi thực tế, phần để hoàn vốn cho các nhà đầu tư thường là các khu đô thị lại phải theo giá cả thị trường, điều này khiến cho tiềm lực tài chính của nhà đầu tư ít nhiều bị suy giảm, khó thực hiện tốt các dự án đang triển khai. Dù vậy, nhìn chung các nhà thầu đều có nhận định một văn bản luật khi đi vào cuộc sống cần phải có thời gian mới kiểm định chính xác được hiệu quả. Nghị định 69/2009/NĐ-Cp không ngoại lệ. Nên tâm lý chờ đợi, thậm chí chây ỳ của một số hộ dân ở một số dự án đã triển khai trước đó, chờ Nghị định mới có hiệu lực nhằm thay đổi giá đền bù, hỗ trợ. Rất cần được các cơ quan chức năng linh hoạt và chủ động hơn trong công việc, nhất là trong GpMB, để tiến độ các dự án không bị ảnh hưởng, nhất là các dự án chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, khi thời gian cho Đại lễ kỷ niệm đã quá cận kề. |