1 Đến ngày 20/11 này, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới tại Hà Nội. Sẽ có hơn 800 kiều bào về tham dự Hội nghị nhằm bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình với Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành chủ chốt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đời sống, xã hội; đồng thời tập trung trí tuệ, chất xám và sáng kiến để đóng góp sáng kiến vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ có những hội thảo chuyên đề về 4 lĩnh vực: Đại đoàn kết dân tộc; phát triển và bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam; tri thức kiều bào với việc phát triển kinh tế Việt Nam và doanh nhân kiều bào đối với sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Hội nghị là sự cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về chính sách Việt kiều, là sự mở rộng của chủ trương đại đoàn kết dân tộc nên nó không những là sự chờ đợi và chào đón của Đảng – Nhà nước với kiều bào mà còn là niềm mong mỏi của toàn dân Việt. 2 Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống tại 101 quốc gia trên thế giới trong đó có hơn 300 nghìn trí thức kiều bào là những nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân… Đó là một kênh huy động trí tuệ khoa học công nghệ của thế giới; đồng thời họ chính là những đại sứ kinh tế, đại sứ văn hóa và khoa học cho đất nước. Hàng năm, nguồn kiều hối mà bà con Việt kiều gửi về Việt Nam khoảng 8 – 10 tỷ USD. Đây là những đồng tiền lãi ròng, khác hẳn với vốn FDI là những đồng lãi sẽ được chuyển ra nước ngoài nên nó vô cùng quan trọng. Và nó đặc biệt quan trọng hơn khi so sánh với GDp của chúng ta (khoảng 78 tỷ USD) trong đó có bao nhiêu là lãi ròng khi trừ đi chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện nay, đã có khoảng 3.000 dự án của bà con Việt kiều đầu tư về nước với tổng số vốn đăng ký trên 3 tỷ USD nhưng so với thu nhập hàng năm của kiều bào là vào khoảng 30 tỷ USD/năm thì số lượng dự án và lượng vốn đầu tư về Việt Nam trong thời gian qua còn là rất nhỏ và hứa hẹn sẽ tăng cao trong thời gian tới. 3 Qua những con số hiện thực và tiềm năng trên, có thể nhận thấy rằng nguồn lực Việt kiều với chúng ta là vô cùng quan trọng. Nhưng, một người bạn của tôi là doanh nhân Việt kiều có tiếng, cho rằng, chúng ta mới chỉ tận dụng được 30 – 50% nguồn lực kiều bào. trong số hơn 50% còn lại, có nhiều người có tiềm năng rất lớn nhưng đến giờ họ vẫn chưa quay trở về. Đó cũng là câu hỏi cần nêu ra để xem xét. Hầu hết Việt kiều đều có tâm huyết với quê hương, ham muốn làm giàu và làm giàu trên chính quê hương mình để đóng góp cho đất nước phát triển. Việt kiều không đòi hỏi một cơ chế tốt hơn mà chỉmuốn một cơ chế công bằng với người Việt ở trong nước. Vì thế, nếu đã coi Kiều bào là một thành tố không thể tách rời của Việt Nam thì Nhà nước cần phải nhìn nhận sòng phẳng như vậy và có những hành động cụ thể, không nên chỉ nói trên giấy tờ văn bản. Điều quan trọng nhất bây giờ để phát huy nguồn lực Việt kiều là hãy tạo cho họ lòng tin và hãy tin vào họ! |