Trang chủ » Thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án: Nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án: Nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Ngày 13-11, ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII, với sự chủ trì của phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Hầu hết ý kiến phát biểu nêu rõ sự nhất trí với Tờ trình  của Chính phủ  và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm là công tác di dân tái định cư. Ðại biểu Ðặng Văn Chiến (Lai Châu) và Lê Văn Học (Lâm Ðồng), Cầm Chí Kiên (Sơn La), Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) đề nghị việc  di dân tái định cư cần bảo đảm cuộc sống tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Nhà ở mới phải bảo đảm điều kiện và phù hợp với phong tục tập quán  sống   của   nhân  dân.

trong công tác di dân, cần giúp đồng bào các dân tộc thay đổi phương thức canh tác, tạo điều kiện và động viên bà con tham gia bảo vệ rừng, trồng các loại cây công nghiệp, qua đó, từng bước ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế-xã hội. Cần bổ sung các dự án đường giao thông liên quan đến dự án để góp phần phát triển hạ tầng cơ sở tại khu vực bờ phải của sông Ðà, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng  cần có những chương trình hoạt động cụ thể để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào sau khi tái định cư. Các đại biểu này đề nghị việc di dân đến huyện Mường Tè cần được thực hiện chặt chẽ, tiến hành đồng bộ với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân để giúp huyện thoát ra khỏi thực trạng là một trong những huyện nghèo nhất nước hiện nay. Cần ưu tiên bố trí kinh phí để tỉnh Lai Châu triển khai các công việc liên quan đến tái định cư. Công tác hỗ trợ nhân dân cần được các cơ quan chức năng tiến hành giám sát, kiểm tra chặt chẽ ngay từ những ngày đầu triển khai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân khi đến nơi ở mới. Việc phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với việc xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu cần được thực hiện tốt, làm cho nhân dân vùng tái định cư hiểu rõ và ủng hộ chủ trương của Chính phủ.

Quan tâm đến các chỉ số an toàn của dự án quan trọng này, các đại biểu trần Thị Kim phương (Hà Nội), Kiều Hữu Bình (Hà Nam) và một số đại biểu khác đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để quy trình xây dựng bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình trong điều kiện địa hình hiểm trở, có khả năng xảy ra động đất… Bên cạnh đó, việc bảo vệ rừng và các động vật quý hiếm sẽ được triển khai như thế nào? Ðiều này chưa được Tờ trình của Chính phủ đề cập cụ thể. Ngoài ra, mỗi phương án kỹ thuật đề ra cần được trình bày và phân tích cụ thể hơn để làm rõ độ an toàn và tính thuyết phục. Các công nghệ phục vụ xây dựng và hoạt động Nhà máy phải là công nghệ tiên tiến, hiện đại để bảo đảm hiệu quả hoạt động và kinh tế.

Các đại biểu Bế Xuân trường (Bắc Cạn), Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) nêu rõ, việc xây dựng Thủy điện Lai Châu cần được lồng ghép và triển khai nhiều dự án công trình khác, như dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình 135… góp phần phát triển toàn diện kinh tế-xã hội các tỉnh nằm trong dự án Thủy điện Lai Châu. Ðối với việc xả lũ và các thiên tai khác có thể xảy ra, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những phương thức đối phó hiệu quả, tránh tình trạng bị động, ảnh hưởng đến hoạt động của công trình và đời sống của nhân dân. Nếu cần, có thể tiến hành diễn tập các phương án phòng, chống các hiện tượng nguy hiểm, bất thường.

Về bố trí, thu xếp vốn cho dự án, các đại biểu Bùi Thị Hòa (Ðác Nông), Ngô Quang Xuân (Ðồng Tháp), Nguyễn Văn phúc (Bình Thuận) và  một số đại biểu khác cho rằng, việc triển khai xây dựng nhà máy này không nên quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay, mà cần huy động nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, cần khẩn trương giải “bài toán” cân đối tài chính trước khi tiến hành xây dựng Thủy điện Lai Châu. Việc rút ngắn thời gian xây dựng thủy điện là rất quan trọng, trong đó cần triển khai tốt công tác di dân tái định cư, tránh tình trạng kéo dài, gây tốn kém kinh phí, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. QH cần thảo luận, làm rõ hơn về cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu. Ðại biểu Mùa A Sơn (Ðiện Biên) đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm quan tâm cụ thể đến 150 hộ dân tại hai xã thuộc tỉnh Ðiện Biên sẽ bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng Thủy điện Lai Châu…

Ðến dự phiên họp và nghe các đại biểu QH thảo luận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam phạm Lê Thanh đã giải trình với QH về các chỉ số an toàn của dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu. Thủy điện Lai Châu được xây dựng tại nơi có thể xảy ra động đất; tuy nhiên, kết quả khảo sát, nghiên cứu thực địa của các cơ quan chức năng cho biết, khả năng xảy ra động đất và ảnh hưởng của động đất sẽ không gây mất an toàn cho công trình. Ðối với một số rủi ro có thể xảy ra, như vỡ đập từ đầu nguồn hay xả lũ từ các thủy điện khác thì hệ thống đập tràn của Thủy điện Lai Châu như thiết kế hoàn toàn có thể xử lý và đáp ứng được. Ðối với những ý kiến đóng góp khác của các đại biểu QH về việc di dân tái định cư, bảo đảm nguồn vốn…, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam sẽ tập trung xem xét và nghiên cứu để có phương thức triển khai đạt hiệu quả cao.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2010 và nghe Ủy viên Ðoàn thư ký kỳ họp, phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Ðinh Văn Nhã đọc dự thảo Nghị quyết nói trên.

Theo dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2010, tổng số thu cân đối ngân sách T.Ư năm 2010 là 303.472 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 265.219 tỷ đồng.

Sau khi biểu quyết thông qua từng điều của Nghị quyết, các đại biểu QH đã tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ Nghị quyết này với 410 đại biểu tán thành, chiếm 83,16% tổng số đại biểu QH.

Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến đều bày tỏ nhất trí với chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH về dự án này. Ðây là một dự án quan trọng đối với sự phát triển của điện hạt nhân ở nước ta và góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu về nguồn năng lượng của đất nước.

Một số đại biểu cho rằng, nguồn vốn để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân này khá lớn, trong khi chủ đầu tư còn phải phụ trách nhiều dự án, công trình quan trọng khác. Một số ý kiến đặt vấn đề đội ngũ cán bộ thực hiện dự án đã có đủ kinh nghiệm và trình độ hay chưa? Bên cạnh đó, dự án quan trọng này cần được thực hiện và trang bị bằng những công nghệ, máy móc hiện đại nhất để bảo đảm hiệu quả, chất lượng hoạt động. Các đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn về dự án. Nhiều đại biểu đề nghị nên xây dựng trước một Nhà máy điện hạt nhân với công suất phù hợp, không nên xây  dựng cùng lúc hai nhà máy.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong thời gian hiện nay, cần cân nhắc kỹ khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Bởi để một nhà máy loại này hoạt động tốt, nước ta còn thiếu một số yếu tố và một trong những vấn đề chính là thiếu nguyên liệu để nhà máy hoạt động.

Ðối với những rủi ro khi xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, một số đại biểu cho rằng, trước hết, muốn bảo đảm an toàn cần lựa chọn công nghệ hiện đại; đồng thời các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những sự cố có thể xảy ra để có phương án phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả. Ðể xây dựng  và đưa Nhà máy này đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng cần có sự chuẩn bị công phu, tiến hành thận trọng với đầy đủ đội ngũ cán bộ giỏi, trình độ chuyên môn cao. Có đại biểu đề nghị Chính phủ, bên cạnh việc khai thác điện hạt nhân, cần tiếp tục quan tâm đầu tư, khai thác các nguồn năng lực khác, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Ðồng thời tận dụng tối đa nguồn năng lượng hiện có để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.