Những bản báo cáo thị trường của các công ty quản lý địa ốc đều dự báo một kịch bản khá sáng sủa về thị trường bất động sản năm 2010. Hà Nội, Tp.HCM tiếp tục là tâm điểm của thị trường địa ốc…
Theo Công ty TNHH Savill Việt Nam, năm 2009, mặc dù phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của khủng hoảng kinh tế nhưng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam gần 21,5 tỷ USD, trong đó một lượng vốn lớn đổ vào các dự án bất động sản (năm 2010 con số này dự kiến sẽ là 22 đến 25 tỷ USD). Những dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam cũng xuất hiện trở lại như: mức tăng trưởng GDp 2009 vượt trên dự đoán, doanh thu xuất khẩu tăng, chương trình cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính của Chính phủ giúp thị trường bất động sản ngày một thông thoáng, minh bạch hơn… Vẫn theo Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam 2010 sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài khi nền kinh tế thế giới đang từng bước hồi phục. Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm nhiều nguồn vốn đầu tư mới. Đầu tiên phải kể đến Nhật Bản, sự lớn mạnh của đồng Yên nhật trong thời gian gần đây được đánh giá là sẽ tạo ra làn sóng mới đầu tư vào Việt Nam. Thêm vào đó, dòng vốn từ Hàn Quốc, từ các quỹ tài chính đặt tại Singapore cũng được dự báo cũng sẽ quay trở lại Việt Nam. Theo Công ty Colliers International, thị trường chung cư, cuối năm 2009, thị trường nhà ở chung cư đã hồi sinh mạnh mẽ trở lại với hàng loạt các dự án hoạt động tốt và các chủ đầu tư đã đạt hoặc vượt mức giá bán mục tiêu của họ, đặc biệt là thị trường phát triển mạnh mẽ ở phân khúc nhà cấp trung. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Tuy nhiên, do nguồn cung về nhà ở lớn nên trong vòng 5 năm sẽ thị trường sẽ “chọn thóc ra khỏi trấu”, những dự án bất động sản có thiết kế và vị trí kém dự báo sẽ gặp khó khăn lớn. Công ty TNHH CBRE Việt Nam dự báo năm 2010, các dự án cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và các cây cầu sẽ tiếp tục mọc lên để kết nối các thành phố. Các sân bay mới đã và đang trong quá trình xây dựng ở Đà Nẵng, Đà Lạt, Nhà trang… sẽ làm cho hệ thống giao thông nội địa thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cũng có một vài điều cần thận trọng. Đó là, Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 300 xe ô tô mỗi ngày (số liệu năm 2009), trong khi tốc độ mở đường quá chậm. Các vấn đề về giao thông, ô nhiễm và tắc đường ngày càng trầm trọng. Áp lực dân số đè lên cơ sở hạ tầng vì thế cũng gia tăng. Những áp lực trên sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới quyết định đầu tư bất động sản. Ông Townsend – Tổng Giám đốc CBRE còn lo ngại rằng Việt Nam đang có nguy cơ thiếu nước, điện và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Dự báo về mức độ phát triển của các phân khúc trong thị trường bất động sản Việt Nam, ông Marc Townsend cho rằng, năm 2010 là thời điểm mà phân khúc bình dân và trung cấp sẽ tiếp tục chi phối thị trường. Các dự án căn hộ có giá bán dưới 1.000 USD/m2 sẽ thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người mua tại Hà Nội và Tp.HCM. trong khi đó, phân khúc căn hộ cao cấp cũng tiếp tục hấp dẫn. “Tôi tin tưởng, nhiều người Việt Nam tiếp tục giàu lên, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin, thị trường bán lẻ, sản xuất hay những người thành công nhờ chứng khoán. Hơn nữa, các dự án cao cấp hướng đến những đối tượng có nhu cầu ở và sống thực sự mà khách trong nước cần quan tâm trong khi khách nước ngoài chỉ quan tâm đến những nhu cầu sinh sống ngắn hạn”, ông Marc Townsend nói. Theo các nhà quan sát, năm 2010 với sự dồi dào về nguồn cung trên thị trường bất động sản, cán cân cung cầu tương đối cân bằng. Điều này sẽ tạo cho người mua cũng như những nhà đầu tư nhiều cơ hội lựa chọn để lựa chọn, xem xét trước khi đưa ra quyết định của mình. trong khi đó, số lượng cư dân gia nhập tầng lớp trung lưu cũng ngày một nhiều lên, nhu cầu thoả mãn cuộc sống ngày một cao hơn. Do đó, số lượng bất động sản giao dịch thành công cũng sẽ tăng lên đáng kể. trong khi các bản báo cáo thị trường năm 2010 của các công ty quản lý bất động sản đều đưa ra những dự báo khá sáng sủa, GS. TSKH Đặng Hùng Võ tỏ ra thận trọng hơn. Theo ông Võ, kịch bản của thị trường bất động sản sẽ không khác nhiều so với 2009. Đa phần doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít (rất ít doanh nghiệp nằm trong tốp VNR 500) trong khi đầu tư bất động sản lại đòi hỏi một lượng vốn cực lớn. trong khi đó, suy thoái kinh tế thế giới được khắc phục từng bước nhưng chưa chấm dứt, kinh tế trong nước bình ổn hơn nhưng chưa qua khỏi nguy cơ lạm phát và suy thoái trở lại. Do đó, bất kỳ động thái tăng hoặc giảm cung tiền ra thị trường của Ngân hàng Nhà nước cũng có thể gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, những cơn “nóng, lạnh” của thị trường bất động sản có thể xẩy ra cục bộ và nhất thời trong năm 2010. “trong ngữ cảnh kinh tế như vậy, thắng lợi sẽ thuộc về đơn vị nào nhanh chân hơn trong cuộc chạy đua về vốn giữa các doanh nghiệp”, ông Võ nói. |
Thị trường địa ốc – Chiến thắng thuộc về người có vốn
0