Không chỉ những tòa nhà tại các quận ven để trống, mà ngay cả những tòa nhà hạng B (được đầu tư khá tốt, giá trung bình từ 35 đến 50 USD một tháng), ở khu Hoàn Kiếm cũng còn rất nhiều diện tích có thể thuê, lên đến cả chục nghìn m2. Ông phạm Thanh Hưng, phó tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Cen Group cho biết, một năm trước đây, khi thị trường địa ốc đang sôi động, văn phòng cho thuê luôn lấp đầy, nhưng nay diện tích trống đã lên đến hàng chục nghìn. “Tại thời điểm này, các tòa nhà văn phòng có tỷ lệ trống hơn 10%. Không còn chuyện luân chuyển khách liên tục như trước”, ông Hưng cho biết.
Giá văn phòng ở Hà Nội đã giảm 15% -20%, nhưng vẫn không nhiều người thuê. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đồng tình với nhận định trên, ông Chu Vũ Hưng, trưởng phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty TNHH Tài Tâm, còn cho biết, ngoài các khu văn phòng lớn, hiện các tòa nhà 2-3 tầng tại các khu phố cũ, đắc địa như trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà trưng… cũng trống nhiều. Đây là những khu nhà có diện tích mặt bằng khoảng 200 m2, mặt tiền từ 8 đến 10 m, có chỗ để xe, thuận tiện cho giao dịch văn phòng.
Cách đây chừng một năm, hàng loạt ngân hàng phải chờ đợi và sẵn sàng trả trên 15.000 USD mỗi tháng để có được một chỗ trên các tuyến phố này làm văn phòng giao dịch. Nhưng khi ngân hàng làm ăn khó khăn, không có nhu cầu mở rộng, người cho thuê hạ giá xuống còn 10.000 đến 12.000 USD cũng không mấy khách hỏi, có hỏi cũng chỉ trả 5.000-7.000 USD.
Theo giải thích của các chuyên gia môi giới, nguyên nhân hiện tượng này là do nhiều công ty lớn chuyển về khu văn phòng mới xây dựng của riêng mình (như trường hợp tòa nhà VNpT trên đường Huỳnh Thúc Kháng), lý do khác chiếm đa số là tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty phải thu hẹp diện tích. Thê thảm hơn, nhiều nơi đã phải tuyên bố phá sản. Hiện, đa phần các công ty chỉ có khả năng chi trả giá thuê văn phòng ở quanh mức 20 USD một m2, trong khi, so với thời điểm “sốt”, giá văn phòng đã giảm khoảng 15-20% và dù bỏ trống nhiều nhưng mức giá văn phòng hạng B vẫn quanh quẩn 40 USD một m2.
Không đủ tài chính, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp “di dời” ra các vùng xa trung tâm hoặc thuê các văn phòng cấp thấp. Diện tích nhỏ hơn lại xa trung tâm kèm theo chi phí dịch vụ không quá đắt khiến các công ty vừa và nhỏ có thể “chấp nhận được”. Ông phạm Đức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản EZ Việt Nam, cho rằng, những văn phòng từ 10 đến 20 m2 được khá nhiều khách hàng là tổ chức dịch vụ, chi nhánh ngân hàng hỏi thuê. “Thay vì phải trả trên dưới 30 USD mỗi m2, các công ty này chỉ cần trả từ 3 đến 9 triệu mỗi tháng”, ông Toàn nói.
Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn CB Richard Ellis Việt Nam cho rằng, vòng đời của tòa nhà và dòng tiền tại thời điểm này khác trước rất nhiều. trước đây, khi tòa nhà chưa hoàn thiện, khách hàng đã “đổ xô” góp vốn khiến chủ đầu tư vẫn có doanh thu trước khi dự án đi vào hoạt động. trái lại, hiện nay, dự án phải chật vật chào khách thuê. “Thêm vào đó, chi phí vận hành, marketing tăng buộc giá thành tăng khiến doanh nghiệp không có khả năng chi trả. Một thực tế là có những tầng bị bỏ trống từ 1 đến 2 năm”, ông Marc Townsend lý giải.
Tại Hà Nội hiện nay, chỉ có văn phòng hạng A (giá trung bình từ 55 đến 70 USD một m2), dù giá mức cao, vẫn giữ được tỷ lệ lấp đầy gần như 100%. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân cơ bản là so với hạng B, C (giá dưới 35 USD một m2), văn phòng hạng A có nguồn cung hạn chế hơn rất nhiều. trong hai năm qua, kể từ sau sự ra đời của pacific place, chưa có thêm nguồn cung mới nào. Ngoài ra, khách hàng thuê tại các khu văn phòng hạng A như Hanoi Towers, Melia, Metropole… đều thuộc hàng “đại gia”. Các khách hàng Vip này chủ yếu chỉ thuê diện tích nhỏ, dưới 100 m2 và hợp đồng dài hạn nên không bị ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa, các “đại gia” có nguồn vốn lớn, tiềm lực mạnh nên sẵn sàng “chịu chơi”.
Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn CB Richard Ellis Việt Nam, ước tính nguồn cung của thị trường văn phòng Hà Nội trong năm nay sẽ còn dư thừa nhiều hơn so với năm 2008. Tổng cung văn phòng sẽ có khoảng hơn 400.000 m2, trong đó hạng A có 100.000 m2 còn hạng B chiếm tới gần 350.000 m2.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi thị trường bất động sản hồi phục dần, tình trạng lãng phí này mới được cải thiện. Cũng theo nhận định của ông Marc Townsend, thời điểm đó chỉ khoảng chưa đến một năm nữa: “Tôi cho rằng trong vòng 9 tháng nữa, thị trường Tp HCM sẽ hồi phục. Hà Nội sẽ chậm hơn, có thể sau đó 3 tháng hoặc nửa năm”.
Tâm Anh – Hoàng Lan