"Không thể chỉ vì giải quyết giao thông mà phá vỡ cảnh quan của thủ đô. Theo tôi, chỉ nên xây dựng từ vành đai 3 trở ra", ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Ông Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: Đoàn Loan. |
* Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa thông qua đề xuất xây dựng đường trên cao tại đường vành đai 2-3 để giảm ùn tắc. Dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch, ông đánh giá thế nào?
trước đây, tôi chưa từng thấy quy hoạch của Hà Nội đề cập tới đường trên cao. Các tư vấn nước ngoài cũng chưa đề cập hệ thống giao thông trên cao. Khi xây dựng các tuyến đường phải phải bám vào quy hoạch chung thủ đô, hiện nay đề án này chưa được hoàn thành nên nếu cứ xây dựng là không ổn.
Thủ tướng đã chỉ đạo không được xây nhà cao tầng trong nội thành, cũng phải hạn chế chiều cao, hệ thống giao thông phải tích hợp với không gian đô thị. Vành đai 2 vẫn gắn với kinh thành Thăng Long xưa, vẫn qua khu vực có nhiều di tích, di sản như xung quanh hồ trúc Bạch, Lạc Long Quân, đường trường Chinh. Do vậy, chỉ nên xây dựng đường trên cao từ vành đai 3 trở ra và xây từng đoạn.
* Theo ông, cần cân đối yếu tố bảo vệ cảnh quan và mục tiêu xây đường trên cao chống ùn tắc tại nội đô như thế nào?
Khi xây dựng nút giao thông Chương Dương cao tầng, chúng tôi đã phải cân nhắc nhiều vì có ảnh hưởng cảnh quan khu vực phố cổ. Ngành giao thông muốn nút giao lớn hơn song chúng tôi không cho phép làm vậy và thực tế đã ảnh hưởng tới phố Hàng Mắm.
Các cầu vượt Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở khi xây dựng đã phải nghiên cứu nhiều đến cảnh quan khu vực. Xây dựng đường trên cao trong nội thành là ảnh hưởng cảnh quan, không thể chỉ vì giải quyết giao thông mà phá vỡ cảnh quan của thành phố. trong chưa đề cập đến đường trên cao mà đã đưa ra là không được. Cấu trúc đô thị và tổ chức không gian phải tuân theo giá trị truyền thống của đô thị đó, bảo tồn di sản là ưu tiên đầu tiên.
Đường trên cao tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Dulichthailan. |
* Nhiều quốc gia ở châu Á đã thành công trong việc xây dựng đường trên cao để chống ùn tắc. Liệu có quá cực đoan khi chúng ta vì lý do bảo tồn cảnh quan mà bỏ qua nhu cầu sinh hoạt của cư dân?
Tôi xin dẫn ra bài học từ Bangkok khi giao thông ách tắc, người ta đã xây dựng đường trên cao tầng 2 tầng 3, cầu vượt xây trên nóc chùa chiền. Thành phố đã bị phá vỡ cảnh quan, chỉ nhìn thấy đường trên cao mà không thấy gì hết.
Thượng Hải (trung Quốc) không có nhiều di tích được bảo tồn nên có thể xây đường trên cao nhiều, chứ Bắc Kinh thì hầu như không có tuyến đường này. Còn các thành phố của Nhật Bản cũng xây dựng đường trên cao khá xa nội đô.
* Nếu không xây đường trên cao tại các tuyến nội đô, theo ông, sẽ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội như thế nào?
Thủ tướng đã chỉ đạo Hà Nội nghiên cứu giao thông đường bộ và đề xuất các loại phương tiện, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông. Hiện nay sức ép dân cư quá lớn ở nội thành, tôi đã góp ý trong dự thảo Luật thủ đô là hạn chế dân nhập cư và hạn chế phương tiện cá nhân. Nếu Luật thủ đô có hiệu lực trong năm nay thì sẽ giảm dân số thủ đô. Ngoài ra, nếu chúng ta xây dựng 5-6 sẽ kéo giãn dân ra khỏi nội thành.