Trang chủ » Chỉnh trang, nâng cấp đô thị phục vụ Đại lễ

Chỉnh trang, nâng cấp đô thị phục vụ Đại lễ

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Cận Tết Nguyên đán, các địa phương đồng loạt tập trung toàn bộ lực lượng cho công tác GpMB các dự án trọng điểm, nhất là các dự án, công trình liên quan tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


Đường phố Thủ đô đã được trang hoàng lộng lẫy đón năm mới.    ảnh: Việt Hùng

Là một trong những địa bàn trọng điểm về GpMB của Q.Hà Đông, giáp tết, p.Dương Nội đang tổ chức đợt chi trả tiền bồi thường lớn chưa từng có. Ông trịnh Như Hà – phó chủ tịch UBND p.Dương Nội cho biết, liên tiếp trong vòng 10 ngày, phường tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 3 dự án (dự án KĐTM Dương Nội, dự án KĐTM Lê trọng Tấn, dự án khu nhà ở An Hưng).

Mỗi ngày, các chủ đầu tư giải ngân khoảng 6,5 tỷ đồng. Tổng số các hộ dân nhận tiền bồi thường trong đợt này lên tới gần 1.000 hộ. Ông trịnh Như Hà cho biết: “Từ nay đến lúc nghỉ tết, phường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan chi trả 100% các dự án nằm trong kế hoạch”. Cũng theo ông Hà, sau khi Tp tháo gỡ chính sách bồi thường bằng đất dịch vụ, người dân cơ bản ủng hộ các dự án trên địa bàn và hợp tác với chính quyền trong công tác bồi thường, GpMB các dự án.

UBND Q.Hà Đông cho biết, không riêng gì các dự án ở Dương Nội, hàng loạt dự án lớn khác ở Kiến Hưng, phú Lương và các dự án đất dịch vụ trên địa bàn cũng đang vào cao điểm chi trả tiền bồi thường. Đại diện UBND Q.Hà Đông nhấn mạnh: “Các phương án bồi thường đều đã được duyệt. Khâu quan trọng nhất là các chủ đầu tư dự án giao thông phải đủ khả năng tài chính, chuẩn bị kịp thời tiền mặt để chi trả cho người dân…”.

Cũng bước vào đợt chi trả quy mô lớn như Hà Đông, huyện Thanh Oai đang dồn sức để tăng tốc GpMB hàng loạt dự án lớn trên địa bàn. Ban chỉ đạo GpMB huyện Thanh Oai cho biết, chỉ trong 3 tuần cận Tết, huyện cần tới 900 tỷ đồng để chi trả bồi thường cho các dự án. Ông Nguyễn Hồng Yên – Chủ tịch UBND huyện nói: “Chỉ tính riêng dự án khu đô thị Thanh Hà, nếu nhà đầu tư đủ năng lực, huyện tập trung sẽ giải ngân khoảng 825 tỷ đồng trong tháng 2/2010 và bàn giao kịp thời mặt bằng sạch (khoảng 83ha đất) cho nhà thầu thi công”.

Tại nhiều quận, huyện khác của Hà Nội như Từ Liêm, Tây Hồ, công tác GpMB tại các dự án cũng hối hả hơn vào dịp sát tết. Mới đây, huyện Từ Liêm đã tổ chức cưỡng chế GpMB, thu hồi đất đối với Cty TNHH Đông Nam Dược Hà Nội tại thôn phùng Khoang, xã trung Văn. trước đó, Q.Tây Hồ cũng bắt đầu cao điểm GpMB với dự án đường Văn Cao – Hồ Tây, một trong những dự án chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã ách tắc nhiều năm nay.

Không bỏ lỡ cơ hội tăng tốc GpMB cho các dự án, các chủ đầu tư cũng như chính quyền các địa phương đều “nhập cuộc” khá mạch lạc trong dịp cuối năm. Ông phan Văn Mạnh – Tổng giám đốc Cty Cp phát triển địa ốc Cienco 5 (đơn vị chủ đầu tư dự án đường trục phía Nam và các dự án đô thị đối ứng) cho biết, Cienco 5 hoàn toàn đủ nguồn lực tài chính để kịp thời chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Nếu được bàn giao những diện tích đất sạch lớn sau đợt cao điểm này, tiến độ dự án đường trục phía Nam sẽ tăng lên đáng kể.

Nhằm chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND Tp Hà Nội đã ban hành Quyết định 5221/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh nguồn vốn. Theo đó, giao Cty Điện lực Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án thí điểm sắp xếp lại đường dây, cáp đi nổi trên 5 tuyến phố Quang trung, trần Nhân Tông, Hàng Bông – Hàng Gai, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám. Tuyến phố Hàng Bạc do UBND Q.Hoàn Kiếm thực hiện thí điểm và tự lo nguồn vốn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có Văn bản số 18/QĐ-EVN “Quy định treo cáp viễn thông trên cột điện của EVN” nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho cộng đồng, cột điện và vận hành an toàn hệ thống điện ở mức cao nhất; quản lý việc treo cáp viễn thông hiệu quả, bảo đảm mỹ quan đô thị; đồng thời quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cá nhân, tổ chức tham gia quản lý, vận hành cáp viễn thông treo trên cột điện của EVN. Theo đó, quy định đơn vị sử dụng cột điện để treo cáp viễn thông có trách nhiệm tháo dỡ cáp viễn thông của mình nếu cáp có nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng hay hệ thống điện; hoặc khi nhận được thông báo của đơn vị quản lý cột điện. Sau 3 ngày kể từ khi gửi thông báo mà đơn vị sử dụng cột điện không có biện pháp khắc phục, đơn vị quản lý cột điện có quyền phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tháo dỡ cáp mà không chịu trách nhiệm về việc mất mát, hư hỏng, hoặc gián đoạn thông tin liên lạc. Để treo thêm cáp mới lên cột điện, quy định này cũng nêu rõ, mỗi tháng đơn vị quản lý cột điện mở kẹp chì niêm phong và khóa gông cáp 2 lần vào ngày 1 và 15 hàng tháng các đơn vị đã được chấp thuận treo thêm, treo mới cáp viễn thông (không áp dụng với cáp thuê bao). Nhằm bảo đảm yêu cầu về an toàn điện, với đường dây trên không có cấp điện áp từ 1KV trở lên, chỉ được treo cáp quang. Với đường dây trên không có cấp điện áp dưới 1KV, cáp viễn thông phải treo phía dưới đường dây trên không, cách ít nhất là 1,5m. Vỏ kim loại của cáp phải được nối đất. Quy định này có hiệu lực từ ngày 11/1.

Những tín hiệu trên cho thấy, sự phong quang cho không gian đô thị Hà Nội đang dần đi vào ổn định.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.