Đó là quan điểm của TS Tô Văn trường – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam với pV báo Xây dựng về những vấn đề liên quan đến sử dụng tài nguyên, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, xung quanh các vấn đề về biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đến Việt Nam.
Ông có thể cho biết hậu quả của BĐKH đến Việt Nam, đặc biệt đối với các lĩnh vực và các vùng dễ bị tổn thương nhiều nhất? Những tác động tiềm tàng của BĐKH có thể nhận biết được như tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, lốc khô nóng, lũ lụt, hay hạn hán, rét hại… Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là nghiêm trọng, nguy cơ hiện hữu tác động đến mục tiêu xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước. Các vùng đồng bằng và ven biển như Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL bị tác động nặng nề nhất vì BĐKH và nước biển dâng.
Ở Việt Nam, khả năng tự ứng phó với BĐKH còn hạn chế vậy theo ông chiến lược và các giải pháp ứng phó chung đối với BĐKH của nước ta nên như thế nào có hiệu quả cao nhất? Ứng phó với BĐKH vừa là vấn đề cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Các nhà khoa học trên thế giới đã xác định BĐKH bất khả kháng ít nhất là trong thế kỷ XXI, cho nên thích ứng là tất yếu. Chiến lược thích ứng với BĐKH cần được xác định là trọng tâm trong chiến lược quốc gia ứng phó với BĐKH. Các hoạt động thích ứng với BĐKH cần được triển khai ngay ở các địa phương, các lĩnh vực và có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên như tăng cường các chính sách, cơ chế, chương trình dự án nhằm nâng cao năng lực thích ứng của các hệ thống tự nhiên và xã hội đối với BĐKH. Chú trọng quy hoạch phát triển, quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường, khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh thiên tai hiệu quả, bền vững. Xây dựng các chỉ tiêu (ngưỡng) về BĐKH đối với các ngành các lĩnh vực. Chiến lược thích ứng với BĐKH cần được ưu tiên lồng ghép vào các chính sách, kế hoạch phát triển.
Chúng ta có thể học hỏi được kinh nghiệm gì từ các nước để triển khai những biện pháp cho phù hợp với Việt Nam hiện nay thưa ông? Các tổ chức quốc tế và các nước tiên tiến đã giúp đỡ Việt Nam về tăng cường năng lực, các thông tin số liệu, các phương pháp luận đánh giá tác động của BĐKH. Chúng ta áp dụng mô hình động lực, mô hình chi tiết hoá thống kê, các phương pháp nội, ngoại suy theo xu thế của mô hình toàn cầu. Việt Nam đã xây dựng các Thông báo quốc gia, kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và đánh giá các phương án giảm nhẹ thiên tai. Việt Nam hiện đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH: xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tại các ngành và các cấp; đồng thời với việc tích cực thực hiện các hoạt động huy động tài trợ quốc tế về BĐKH để thực hiện các chương trình hành động.
ĐBSCL là vựa lúa của nước ta nhưng lại là nơi có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề nhất của BĐKH, nước biển dâng, chúng ta cần có các giải pháp cụ thể như thế nào để đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân và phát triển kinh tế bền vững thưa ông? ĐBSCL chịu sự thách thức kép của BĐKH từ nguồn và từ biển. ĐBSCL muốn phát triển bền vững phải có cách tiếp cận tổng hợp, hệ thống, liên ngành, liên vùng, đặc biệt quản lý và khai thác nguồn nước theo lưu vực sông trên cơ sở hợp tác giữa các nước thượng lưu và hạ lưu sông Mê Kông. Quan điểm tích hợp phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương được thể chế hoá bằng các văn bản quy phạm, pháp luật và được quán triệt trong tổ chức thực hiện. Từ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã xây dựng khung chương trình hành động thích ứng với BĐKH. Việc thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL sẽ đòi hỏi những tiến bộ trong ba lĩnh vực sau: Sáng kiến thích ứng với BĐKH; Tăng cường các sáng kiến phát triển đang thực hiện để hỗ trợ cho việc thích ứng với BĐKH và thực hiện các khoản đầu tư và các chính sách thích ứng với BĐKH… |