trong 2 ngày 17 và 18/5 tại Tp.HCM, UBND Tp.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “phát triển đô thị bền vững” nhân kỷ niệm 50 năm ngày Hà Nội – Huế – Sài Gòn kết nghĩa. Bí thư Thành ủy Tp.HCM Lê Thanh Hải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch HĐND Tp.HCM phạm phương Thảo, Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân, cùng lãnh đạo Tp Hà Nội và Tp Huế tham dự.
Bắt đầu từ quy hoạch Đây là một trong những tiêu chí Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đề nghị các cơ quan lưu ý. Theo Bộ trưởng, công tác quy hoạch phải được ưu tiên đi trước để định hướng và đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình xây dựng phát triển cũng như chỉnh trang đô thị. Bên cạnh đảm bảo chất lượng không gian đô thị thì cần phải đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo gắn sát với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội nhằm tạo nguồn lực phát triển cho đô thị. Đồng quan điểm này, đại diện Sở QH-KT Tp.HCM cho rằng, để giải quyết các vấn đề phức tạp nhằm xây dựng đô thị hiện đại là phải đảm bảo thiết lập phát triển đô thị trên cơ sở toàn diện của các nhân tố tạo lập đô thị về nhu cầu vật chất và tinh thần người dân, kinh tế – xã hội hiện tại và trong tương lai lâu dài cùng với sự đa dạng của điều kiện tự nhiên, khí hậu cho sự phát triển không ngừng. Hầu hết các đô thị lớn của nước ta đều đã được lập quy hoạch theo chiều hướng mở rộng hơn so với không gian hiện hữu, nhưng thực tế rất ít khu vực đô thị hoàn chỉnh về hạ tầng, kiến trúc cảnh quan và tập trung vào sử dụng triệt để qũy đất, đặc biệt là các dự án về bất động sản, hầu hết các đô thị chưa chú trọng tới các cơ sở kinh tế, dịch vụ đào tạo, y tế, công viên cây xanh, không gian cộng đồng… Do đó cần phải có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đô thị, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Nguồn lực phát triển ngay trong nội lực mỗi đô thị Đây là vấn đề mà Bộ trưởng nhấn mạnh khi nói tới nguồn để phát triển một đô thị bền vững. Song song với các nguồn hỗ trợ phát triển mà đô thị có được, cần chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý quy hoạch… Từ đó thông qua các giải pháp quy hoạch kết hợp với các chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế – xã hội, xã hội hóa đầu tư cho phát triển và nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cấp chất lượng đô thị. Tuy nhiên việc quản lý một thành phố lại là một thách thức rất lớn. Ông Nguyễn Đăng Sơn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, sự phát triển bền vững là mở đường cho sự nghiên cứu và quản lý đa ngành, thậm chí xuyên ngành, đây là một thách thức lớn bởi tính đơn ngành (hoặc đa ngành) đã ăn sâu vào ý thức của các cơ quan khoa học, cơ quan quản lý… Thật khó xây dựng được cơ chế quản lý xã hội trong thế giới không biên giới, suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương. Vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân gợi ý: Cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, năm 2009 có 35,97% cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn quản lý công tác xây dựng của các thành phố, thị xã thuộc tỉnh, 28,07% chủ tịch, phó chủ tịch và 27,43% công chức địa chính – xây dựng cấp phường, thị trấn đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Những con số này đã nói lên sự hạn chế trong quản lý, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Do vậy cần tăng cường phân cấp quản lý đô thị, nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức phù hợp với trình độ, kinh nghiệm.
Ý thức cộng đồng quyết định sự bền vững Tại hội thảo, các chuyên gia quan tâm tới vấn đề cốt lõi là làm sao để tăng chất lượng sống cho người dân, không phải chỉ với một bộ phận mà đối với toàn thể xã hội. Ngược lại, con người không thể tách rời với cộng đồng và phải có trách nhiệm với cộng đồng bằng việc phát huy vai trò, trách nhiệm làm chủ của người dân đô thị. Việc xây dựng và duy trì chất lượng đô thị phụ thuộc một phần quan trọng vào ý thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Dó đó, cần có giải pháp tích cực để cộng đồng nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm tham gia xây dựng và quản lý đô thị được cụ thể hóa trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Có như vậy mới tạo độ đảm bảo cho các dự án phát triển đô thị được thực hiện, bởi đặt vấn đề xã hội ngang hàng với các hạng mục khác trong các dự án đầu tư phát triển đô thị sẽ là một tiến bộ quan trọng trong việc quản lý phát triển đô thị, đúng với mục tiêu vì con người của đô thị bền vững. Hội thảo này là dịp để các nhà quản lý, chuyên môn trao đổi những bài học kinh nghiệm để hướng tới việc xây dựng Hà Nội, Huế, Tp.HCM trở thành những hình mẫu đô thị bền vững. Các vấn đề phát triển đô thị bền vững của 3 đô thị lớn được thảo luận cũng chính là các vấn đề chung của đô thị Việt Nam. |