Chuỗi truyền thuyết Lam Sơn gắn với núi Lam, sông Lường (sông Khao hay sông Chu tên gọi ngày nay) và những địa danh đặc trưng của đồng bào dân tộc: Dốc Cáy, Hón Can… đã tạo nên một dòng chảy lịch sử ở bề sâu, một dòng lịch sử cao hơn lịch sử đích thực, một ký ức lịch sử được thăng hoa chưng cất đầy “mộng” và “thơ” để hội nhập vào thế giới thần thiêng, tạo nên giá trị vĩnh cửu của hào khí Lam Sơn và sự bất tử của người anh hùng Lê Lợi. Hôm nay, trên vùng đất hùng vĩ và linh thiêng ấy, bên dòng sông Chu hiền hòa chở nặng những thần tích trong cõi sâu tâm hồn người Việt, thế hệ Sơn Tinh hiện đại đang viết lên huyền thoại mới mang tên: Thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt – công trình của những ước mơ và khát vọng.
1. Đã sang mùa lũ thứ 3 dòng sông Chu dữ dằn bị chặn đứng bởi những chàng Sơn Tinh quả cảm, đem hết sức lực và trí tuệ làm nên một công trình lớn của tổ quốc: Công trình Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt, xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Từ nay sẽ không còn mối đe dọa những trận lũ lớn ở cái nơi rốn lũ miền trung ấy từng đe dọa hàng triệu người và hàng vạn hec-ta hoa màu của người dân. Già làng trong bản Thái còn kể mãi cho con cháu nghe một trận lũ kinh hoàng xa xưa, người dân nơi đây không biết làm gì để chặn dòng nước hung dữ bèn nghĩ cách xua tất thảy trâu, bò trong vùng ra đứng giữ sông. Những đàn trâu hàng vạn con đứng ken dày suốt ba ngày ba đêm thì nước lũ rút. Để tạ ơn, dân lập am thờ và thả tất cả số trâu bò chống lũ hôm ấy về rừng và từ ấy có tên gọi sông Chu (tiếng địa phương gọi chung trâu bò là chu).
trên mảnh đất đẫm màu huyền thoại thuở dựng nước và giữ nước Lam Sơn, sông Chu như là cái “vạch” của vùng trung chuyển: phía nam sông Chu là cạnh phía tây của tứ giác châu thổ sông Mã, thuộc các huyện: Thọ Xuân, triệu Sơn, Nông Cống; Quảng Xương, phía bắc sông Chu là vùng đồi thấp thuộc một phần phía bắc huyện Thọ Xuân, huyện Ngọc Lặc và cao hơn là vùng núi cao thuộc các huyện: Lang Chánh, Bá Thước và một phần huyện Thường Xuân. Vùng đồng bằng trước núi này đất đai phì nhiêu, mầu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, dân cư đông đúc đã tạo điều kiện để dòng họ Lê lập nghiệp và phát triển, có uy tín và thế lực làm chủ một miền. Vùng đồi núi, khe núi, núi cao, rừng sâu phía bắc sông Chu, kéo dài từ rừng lim sau trại Như Áng là hệ sinh thái đồi núi, địa hình phức tạp, nhiều nơi hiểm trở thuận lợi cho an ninh quốc phòng nhưng vô cùng khó khăn khi xây dựng những công trình phát triển kinh tế.
2. Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt tỉnh Thanh Hóa được khởi công từ 3/2005 do Bộ NN&pTNT làm chủ đầu tư, TCty Tư vấn xây dựng thủy lợi thiết kế và tổ hợp nhà thầu gồm: Vinaconex, Sông Đà, Xây dựng thủy lợi 4, Cơ điện NN&pTNT (trong đó Vinaconex là tổng thầu). Sau hơn 4 năm xây dựng, đến cuối tháng 11/2009, công trình hồ chứa nước kết hợp với thủy điện lớn nhất Bắc trung bộ sức chứa 1,5 tỷ m3, tổng vốn đầu tư trên 5.300 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành. Đây là công trình đa mục tiêu, tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862ha đất canh tác của tỉnh Thanh Hóa; giảm lũ cho hạ lưu sông Chu, cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt, kết hợp với phát điện công suất 97MW; bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn cải tạo môi trường sinh thái. Công trình Thủy lợi Cửa Đạt có kết cấu gồm: Đập chính là đập đá đổ bê tông bản mặt, chiều dài đập 966m, chiều cao đập 118,5m, chiều rộng mặt đập 10m. Đây là đập đá đổ bê tông cao nhất trong các công trình thủy lợi đến thời điểm này; Đập tràn xả lũ do các nhà thầu Vinaconex thi công đã đào đắp trên 8 triệu m3 đất đá, đổ 129.000m3 bê tông, thi công 6.620 tấn thép, lắp đặt 220.000 tấn thiết bị. Công trình được phê duyệt phương án thi công trong thời gian 5 năm theo phương pháp phân đoạn. Từ năm 2004 đến hết mùa lũ 2006 đập được đắp phần hai bờ đến cao trình +93m (bờ trái từ MC1 đến MC8, bờ phải từ MC16 đến MC26), phần lòng sông từ MC8 đến MC 16 có chiều rộng trung bình khoảng 210m làm nhiệm vụ kết hợp với tuynel TN2 để dẫn dòng thi công. Mùa khô năm 2007 đã tiến hành ngăn dòng lấp sông từ MC8 đến MC16, đoạn này được đắp thân đập đá đến cao trình +50m. Với những người lao động đã tham gia xây dựng công trình thủy lợi Cửa Đạt thì kỳ tích chống lũ trong trận bão số 5/2007 quả là kỷ niệm khó quên. Cơn bão cuối mùa khô 2007 tràn vào miền trung gây mưa trên diện rộng, tạo ra trận lũ lớn đổ về sông Chu, lưu lượng đỉnh lũ tại Cửa Đạt lên tới 7.000m3/s tương đương con lũ tần suất khoảng p= 1%. Lũ về kéo theo các thân cây có đường kính từ 0,4 – 1m, dài 5 -10m, trôi qua đập với vận tốc lớn, đã cuốn và xói trôi khoảng 70m/210m phần thân đập đắp dở phục vụ thi công, xói trôi đá đắp xuống cao trình đáy nền với khối lượng khoảng 500.000m3 đá, trong khoảng thời gian 2 giờ. Các công trình phụ trợ như cầu Cửa Đạt, đê quai thượng và hạ lưu đều bị nước xói gây hư hỏng. Sự cố không chỉ gây thiệt hại kinh phí mà còn gây căng thẳng cho tiến độ thi công song với sự phối hợp ăn ý, các nhà thầu mà đứng đầu là “anh cả” Vinaconex đã khắc phục hậu quả, đẩy nhanh tiến độ, giảm thiểu tác động đến chất lượng công trình. Nhà máy thủy điện Cửa Đạt là một thành phần của dự án gồm hai tổ máy với tổng công suất 97MW, tổng mức đầu tư 1.856 tỷ đồng theo hình thức BO do TCty Vinaconex giữ cổ phần chi phối.
3. Chúng tôi may mắn được chứng kiến một trong những khoảnh khắc lịch sử trên công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia này. Đúng 10h ngày 26/11/2009, cửa pANEL cuối cùng đã được thả xuống hoàn thành công tác hoành triệt TN2 để đưa công trình hồ chứa nước Cửa Đạt vào phục vụ sản xuất, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến độ xây dựng dự án. Sau khi hạ panel hoành triệt, các nhà thầu hoàn thành công tác phun cao áp 3.000m3 bê tông tại các vị trí quy định và sẽ hoàn thành sau khoảng 30 ngày, đảm bảo việc hoành triệt tuynel dẫn dòng an toàn tuyệt đối. Thú thực, kẻ “ngoại đạo” như tôi lơ ngơ giữa “rừng người” hôm ấy cũng chả hiểu hết ý nghĩa của khoảnh khắc ấy nếu không bắt gặp khuôn mặt hồng lên vì xúc động của vị “thủ lĩnh” Vinaconex, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuân. Ông đứng lẫn giữa đám đông, bình dị như bao người lao động, chân chất như những người dân địa phương có mặt rất sớm dưới hạ lưu với bè mảng vó lưới… chờ kết quả hoành triệt lòng sông cạn để bắt cá, không giấu nổi cảm xúc khi ông cứ nhắc đi nhắc lại một câu: “Ngàn năm chỉ một lần hồng phúc được nhìn thấy lòng sông Chu!”. Chính cái phút giây kìm nén sự xúc động của người đàn ông một đời chinh chiến với biết bao công trình xây dựng, chinh phục bao mảnh đất huyền thoại, nay về “đằm lòng” trên mảnh đất quê hương, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc của tôi với công trình hoành tráng mà xa lạ ấy. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Thanh nghèo khó nhưng giàu truyền thống yêu nước, chắc chắn ông thuộc nằm lòng những huyền thoại sông Chu, con sông như bàn tay khổng lồ vươn rộng khắp miền tây xứ Thanh, ôm ấp truyền thuyết lịch sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng một thuở. truyện kể rằng hạ nguồn con sông là nơi người dân chài “kéo” được thanh kiếm thần dân cho chủ tướng Lê Lợi, thượng nguồn là nơi tướng quân Lam Sơn cùng các nghĩa sĩ “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” trong những ngày “nếm mật nằm gai”. (Thuở ấy trên đường ra chiến trận/Vua Lê nghỉ lại khúc sông này/Bên phiến đá bằng, vua chống kiếm/Nghĩ kế khao binh chén rượu đầy; …;/Qua đêm đã đến ngày lễ hội/Vua Lê đứng ngự giữa ba quân/Nguyễn trãi quỳ lạy vua ba lạy/Dốc bình rượu quý xuống dòng sông/; Cả đoàn quân tung hô “Vạn tuế!”/ Nhìn rượu hòa vào với nước sông/Tướng sỹ nhìn nhau và hiểu ý/Cúi xuống cùng nhau múc uống chung…).
trân trọng những giá trị lịch sử, những CBCNV-LĐ TCty Vinaconex trong quá trình xây dựng đã dành một phần sức người, sức của cùng nhân dân địa phương đầu tư tôn tạo, bảo lưu phong tục tín ngưỡng di tích đền thờ chúa Thượng ngàn và đền thờ danh tướng Cầm Bá Thước trên đỉnh đồi cao bên dòng sông Chu thơ mộng. Tôi hiểu đây cũng chính là một nét văn hóa Vinaconex mà tập thể Anh hùng lao động này đang cố gắng xây dựng làm nền tảng cho sự phát triển vững bền DN. Một niềm hân hoan mới đã đến trong những ngày đầu tháng 6 này Nhà máy thủy điện Cửa Đạt đã vận hành và phát điện, bổ sung thêm nguồn điện năng quan trọng cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh cả nước còn thiếu hụt rất lớn nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Dự kiến đến quý III/2010, khi hồ Cửa Đạt tích đủ nước đến cao trình thiết kế, hai tổ máy của Nhà máy sẽ phát huy hết công suất và cung cấp lượng trung bình khoảng 490 triệu KWh/năm. Ngoài ra, Cty Cp thủy điện Cửa Đạt cũng đang gấp rút hoàn tất thủ tục để chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng dự án thủy điện Xuân Minh – nhà máy thủy điện thứ hai được đầu tư dưới hạ lưu hồ chứa nước, công suất 11MW, khẳng định sự kết nối một chuỗi những huyền thoại mới trên dòng sông Chu oai hùng hôm nay. |
Thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt: Huyền thoại mới trên dòng sông Chu
22