Khu vực bờ Tây sông Sài Gòn thuộc trung tâm hiện hữu TpHCM mở rộng:
Cuối tuần qua, lãnh đạo thành phố đã nghe Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) báo cáo Quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu bờ Tây sông Sài Gòn. Đây là một phần của khu vực trung tâm hiện hữu TpHCM mở rộng, được chọn báo cáo trước nhằm đáp ứng yêu cầu di dời ngay của hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn.
Một góc trung tâm TpHCM. Ảnh: Cao Thăng
|
Tận dụng ưu thế bờ sông
Khu vực trung tâm hiện hữu TpHCM mở rộng, diện tích khoảng 930 ha gồm quận 1, quận 3 và một phần quận Bình Thạnh, quận 4, là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ trong hiện tại đối với TpHCM mà trong tương lai cùng với đô thị mới Thủ Thiêm – sẽ đóng vai trò trung tâm cho một TpHCM văn minh, hiện đại.
Để xây dựng khu vực này xứng đáng với vai trò trung tâm, tháng 5-2007, TpHCM đã tổ chức cuộc thi quốc tế “Ý tưởng thiết kế khu trung tâm hiện hữu mở rộng” và phương án của Công ty Nikken Sekkei đã đoạt giải nhất. trên cơ sở ý tưởng này, TpHCM đã ký hợp đồng triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết 1/2.000 và quy chế quản lý đô thị cấp 2 cho khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng với Nikken Sekkei.
phạm vi của quy hoạch này nằm dọc bờ Tây sông Sài Gòn, kéo dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, giới hạn bởi các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành và sông Sài Gòn, diện tích khoảng 124 ha.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TpHCM, đến cuối năm nay, đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 và quy chế quản lý đô thị cấp 2 cho toàn bộ khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng sẽ hoàn tất.
Tuy nhiên, để giúp cho các cảng biển trên sông Sài Gòn như Tân Cảng, cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son có cơ sở chuyển đổi công năng các cảng hiện hữu, trước khi di dời ra khỏi trung tâm thành phố, TpHCM đã yêu cầu tư vấn Nikken Sekkei hoàn tất trước quy hoạch chi tiết 1/2.000 bờ Tây sông Sài Gòn, nơi có các cảng này hoạt động.
TS Nguyễn trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TpHCM, Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch – Kiến trúc TpHCM, cho biết, đây là một đồ án quy hoạch tích hợp được toàn bộ thông tin cho công tác quản lý đô thị ở khu vực bờ Tây sông Sài Gòn. trong đồ án quy hoạch này, các vấn đề kẹt xe, ngập nước được ưu tiên đặt ra giải quyết đầu tiên.
Theo TS Nguyễn trọng Hòa: “Nếu đồ án quy hoạch được thực hiện nghiêm túc thì bờ Tây sông Sài Gòn nói riêng và khu trung tâm hiện hữu mở rộng của thành phố sẽ chấm dứt vấn nạn kẹt xe và ngập nước”.
Bám sát vào bờ sông và tận dụng vẻ đẹp của bờ sông Sài Gòn để xây dựng khu bờ Tây sông Sài Gòn là ý tưởng chủ đạo của đồ án quy hoạch này. Theo đó, sẽ có một dải công viên cây xanh kéo dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận. Chiều rộng của công viên khác nhau theo từng đoạn nhưng đoạn hẹp nhất cũng rộng khoảng 50m (tính từ bờ sông vào).
Đặc biệt, bến Nhà Rồng sẽ được mở rộng, trồng thêm cây xanh và xây dựng thêm một số công trình để nơi đây không chỉ đậm nét về lịch sử mà còn đậm nét về văn hóa, kiến trúc…
Định hướng không gian kiến trúc bờ Tây sông Sài Gòn sẽ là phát triển các công trình cao tầng với mật độ xây dựng thấp. Chiều cao các công trình sẽ thấp dần từ trong ra phía bờ sông nhằm đảm bảo một không gian thoáng đãng cho toàn khu vực. Sẽ có một số công trình cao tầng có tính chất điểm nhấn tại các đầu mối giao thông nối kết giữa trung tâm hiện hữu mở rộng và đô thị mới Thủ Thiêm. Dọc bờ sông, sẽ hình thành một số không gian mở tại các vị trí phù hợp.
Đột phá về giao thông
Các phương án tổ chức giao thông trong đồ án quy hoạch đúng là một bước đột phá như TS Nguyễn trọng Hòa đã nhận xét. Theo đó, toàn bộ hoạt động giao thông cơ giới trên đường Tôn Đức Thắng sẽ được ngầm hóa. Bên dưới đường Tôn Đức Thắng sẽ xây dựng các trung tâm thương mại, bãi đậu xe và tất nhiên sẽ có đường cho xe lưu thông. Không gian trên mặt đường, phần dọc bờ sông sẽ được làm công viên.
Tại ba điểm giao thông quan trọng: cầu Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son và cầu Tân Thuận, sẽ tổ chức các điểm kết nối, trung chuyển hành khách giữa các loại hình vận tải: xe buýt, tàu điện, metro và xe buýt thủy. Đặc biệt sẽ mở rộng đường Nguyễn Tất Thành từ 30m lên 37m (về phía cảng) để phát triển hệ thống xe buýt nhanh kéo dài đến quận 7.
Hệ thống đường sắt nhẹ cũng sẽ được xây dựng dọc bờ sông phục vụ cho quận Bình Thạnh và kết nối đến khu vực Thanh Đa để tạo điều kiện cho phát triển du lịch ở bán đảo này. Khu vực đầu cầu Sài Gòn sẽ làm thêm cầu vượt để tăng khả năng lưu thông từ Tân Cảng về trung tâm thành phố.
Cũng sẽ có một đường ngầm nối từ khu vực khách sạn Majestic đến bờ sông Sài Gòn để phục vụ nhu cầu đi lại của khu vực trung tâm. Các ụ tàu trong khu Ba Son sẽ được giữ lại và tổ chức thành những điểm vui chơi, công cộng.
Ông trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, cho biết, một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng ở khu bờ Tây sông Sài Gòn là xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ trước khi phát triển các dự án khác.
TS Nguyễn trọng Hòa cho biết, nếu tất cả phương án giao thông nêu trên đều được thực hiện đầy đủ, diện tích đất dành cho giao thông tại khu vực này chiếm đến hơn 20%/tổng diện tích khu vực. Nếu cộng thêm cả với diện tích cây xanh, diện tích dành cho các công trình công cộng nói chung (cây xanh, giao thông) chiếm đến hơn 50%/tổng diện tích đất khu vực. Đây là một tỷ lệ lý tưởng cho việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
5 khu vực chính của khu bờ Tây sông Sài Gòn
1. Khu Tân Cảng: được giới hạn bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh và sông Sài Gòn với diện tích khoảng 49ha. Nơi đây sẽ có chức năng chính là thương mại, dịch vụ, ở, giải trí, y tế, văn hóa, giáo dục kết hợp tổ chức không gian công cộng dành cho người dân thành phố với hình thức công viên tập trung.
Các công trình xây dựng sẽ cao từ phía đường Nguyễn Hữu Cảnh và thấp dần về phía sông với chiều cao tối thiểu 15m và tối đa 270m. Sẽ có 2 bến taxi thủy phục vụ giao thông và du lịch ở đây. Quy mô dân số khoảng 14.300 người.
2. Khu Nam Thị Nghè: được giới hạn bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm, sông Sài Gòn với diện tích khoảng 14ha. Chức năng chính của khu là thương mại, dịch vụ, ở, giải trí, văn hóa, giáo dục, đặc biệt sẽ chuyển đổi khu vực sân tập golf thành văn phòng, nhà ở. Các công trình kiến trúc sẽ thấp dần từ sông Sài Gòn về phía quận 1 với chiều cao tối thiểu 30m, tối đa 150m. Quy mô dân số khoảng 4.300 người.
3. Khu Ba Son: gồm toàn bộ Nhà máy đóng tàu Ba Son được giới hạn bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh và Tôn Đức Thắng với diện tích quy hoạch gần 22ha. Chức năng chính của khu là thương mại, ở, giải trí, văn hóa, giáo dục. Không gian kiến trúc sẽ chia làm 2 khu vực với bố cục khác nhau.
Khu phía Tây Nam là khu vực điểm nhấn cao tầng. Khu phía Đông Bắc có bố cục thấp dần về phía bờ sông. Sẽ giữ lại một số công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu trong khu Ba Son. Chiều cao công trình ở đây tối thiểu 30m, tối đa 220m. Quy mô dân số khoảng 4.700 người.
4. Khu công viên bến Bạch Đằng: gồm phần lớn là khu công viên bến Bạch Đằng hiện hữu và một phần cầu tàu và bến bãi của Nhà máy đóng tàu Ba Son với diện tích lập quy hoạch gần 12ha. Chức năng chính của khu là công viên cây xanh, giải trí, dịch vụ du lịch, xây dựng hầm làm trung tâm thương mại và đậu xe dưới công viên.
Dự kiến tối thiểu tầng hầm phải có 2 tầng, trong đó tầng trên làm bãi đậu xe. Tầng hầm dưới cùng làm đường giao thông. Nơi đây cũng sẽ có bến taxi thủy.
5. Khu cảng quận 4: diện tích lập quy hoạch gần 45ha. Chức năng chính của khu vực là dịch vụ, thương mại, ở, giải trí, văn hóa, y tế, giáo dục và những mảng cây xanh lớn, liên tục dọc bờ sông. Không gian kiến trúc ở đây sẽ là các không gian mở tại các vị trí giao nhau giữa đường Nguyễn Tất Thành với các đường kết nối với đường Nguyễn Tất Thành (trong khu cảng quận 4) để tối đa hóa tầm nhìn ra bờ sông từ khu đô thị hiện hữu.
Tuy nhiên, cũng sẽ có một số công trình cao tầng có vai trò điểm nhấn ở khu vực đầu cầu Thủ Thiêm 3. Dự kiến sẽ xây dựng cầu đi bộ kết nối khu Cột cờ Thủ Ngữ với Bến Nhà Rồng để hình thành hệ thống đường đi bộ dọc sông Sài Gòn. Chiều cao xây dựng tối thiểu ở đây 15m, tối đa 140m. Quy mô dân số khoảng 6.500 người.
DiaOcOnline.vn – Theo Sài Gòn Giải phóng