Khai thác tiềm năng du lịch

Tp Thái Nguyên đã và đang khai thác hiệu quả các thế mạnh về thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, vận tải, bưu chính viễn thông, chứng khoán được quan tâm tạo điều kiện phát triển và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Văn minh thương mại được quan tâm chỉ đạo, đã hình thành hệ thống các cửa hàng tự chọn, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên ngành cùng các trung tâm mua bán hàng hóa lớn.

 Tp là đầu mối của các tuyến, tuor du lịch, do vậy các khu vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng khách sạn liên tục được đầu tư nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. Với điều kiện khí hậu và vị trí địa lý thuận lợi, Thái Nguyên là nơi hội tụ nền văn hoá của các dân tộc miền núi phía Bắc. Thái Nguyên được biết đến với khu du lịch nổi tiếng Hồ Núi Cốc cách trung tâm Tp 15km về phía Tây. Hồ có chiều dài 18km, với 11 nghìn héc-ta rừng phòng hộ, có trên 100 hòn đảo lớn nhỏ. phía tây của hồ là dãy núi Tam Đảo, phía đông là vùng chè đặc sản Tân Cương. Hồ Núi Cốc đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng. Hiện Chính phủ đang có chủ trương nâng khu du lịch Hồ Núi Cốc thành khu du lịch sinh thái trọng điểm Quốc gia, nơi đây sẽ được quy hoạch bao gồm cả du lịch tâm linh với dự án xây dựng trúc Lâm Thiền Viện – đường ngầm xuyên Tam Đảo và dự án xây dựng cáp treo từ trung tâm ra đảo và Tam Đảo sẽ được khởi công xây dựng… 

 Tp Thái Nguyên còn có gần 100 di tích lịch sử, trong đó có cụm di tích Đền thờ Đội Cấn, nhà lao Thái Nguyên, phòng tuyến Gia Sàng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi ghi dấu một sự kiện vang dội cả nước, làm chấn động nước pháp và các nước thuộc địa, đó là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra tại thị xã Thái Nguyên đêm 30 rạng sáng 31/8/1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam, một cuộc khởi nghĩa chống thực dân pháp đã chiếm được tỉnh lỵ, đặt Quốc hiệu Đại Hùng, định ra tôn chỉ “Đánh đuổi giặc pháp, giành độc lập dân tộc”. Có chùa phù Liễn – nơi đã từng che dấu, nuôi nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Lương Ngọc Quyến. Chùa còn là nơi đặt hòm phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946; có chùa Đán – nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giải phóng quân tiến vào giải phóng Thái Nguyên tháng 8/1945… Ngày nay, các chùa này trở thành một trong những di tích lịch sử – danh lam thắng cảnh của nhân dân các dân tộc phía Bắc và cả nước, góp phần tạo nên một không gian văn hóa tâm linh lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho mọi người.

 Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm ngay trung tâm Tp Thái Nguyên. Đây là nơi trưng bày nhiều hiện vật di sản văn hóa của Việt Nam. Hệ thống gồm 6 phòng trưng bày, mỗi phòng gần 2.000 đồ vật gồm hiện vật gốc, ảnh và tài liệu khác. Ngoài ra, bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời rất hấp dẫn. Đến đây du khách có dịp để tìm hiểu về cội nguồn văn hóa của các dân tộc trên đất nước. Bảo tàng đã đón tiếp hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, năm du lịch quốc gia. Đến với Tp Thái Nguyên là đến với “Đệ nhất danh trà”. Chè Tân Cương từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Thái Nguyên, đã trở thành thương hiệu với người tiêu dùng. Hiện nay toàn Tp có trên 1.300 ha đất trồng chè, chủ yếu ở các xã miền tây. Vùng chè đặc sản Tân Cương được Tp quy hoạch thành cụm làng nghề trở thành thương hiệu, Nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Cây chè là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế; Tân Cương đã trở thành địa điểm hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Cây chè và “Hương sắc trà xuân vùng chè đặc sản Tân Cương” đã góp phần phát huy, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.  

 Với những thuận lợi trên về du lịch, Tp Thái Nguyên chính là một trong những nơi nghỉ dưỡng, tham quan; hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách; ngành Du lịch đang tập trung phát triển trở thành ngành phát triển mạnh của địa phương.

 Hoạt động du lịch trên địa bàn Tp phát triển mạnh. Các cơ sở lưu trú, khách sạn được đầu tư nâng cấp, mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ. trên địa bàn Tp hiện có 50 khách sạn và 350 nhà nghỉ với tổng số phòng là 3.450 phòng, trong đó có 3 khách sạn 3 sao. Năm 2009 có hơn 444.300 lượt khách đến Thái Nguyên; trong đó 437.800 lượt khách nội địa, 6.500 lượt khách quốc tế.

 Hiện nay Tp có 5 tuyến du lịch chủ yếu: Tp Thái Nguyên – Gang Thép – phú Bình; Tp Thái Nguyên – Chợ Thái – Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam – Đền Đội Cấn – Làng nghề chè Tân Cương; Tp Thái Nguyên – Hồ Núi Cốc – Đại Từ – Tuyên Quang; Tp Thái Nguyên – Đền Đuổm phú Lương – ATK Định Hóa – Tuyên Quang; Tp Thái Nguyên – huyện Đồng Hỷ – Võ Nhai – Bắc Sơn – Lạng Sơn. Các tua, tuyến du lịch đã góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của Tp đến với du khách và bạn bè trong nước và quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *