Đây là kỳ vọng của các chuyên gia tại hội thảo “Quy hoạch Tp Đà Nẵng hội nhập và phát triển” do UBND Tp Đà Năng và Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây. Theo các chuyên gia, thời gian qua, Đà Nẵng khai thác khá tốt thế mạnh nổi trội như có biển nước sâu, có sông, có núi, có một chiều dài lịch sử hào hùng trong quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển…. Đà Nẵng đã trở thành một đô thị hạt nhân của khu vực miền trung, Tây Nguyên.
Các chuyên gia đặc biệt đánh giá cao sự thành công của Đà Nẵng trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị. GS Lê Hồng Kế (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị) nhận định: Tp Đà Nẵng đã thành công trong việc thực hiện các ý tưởng lớn của đồ án Quy hoạch chung Tp Đà Nẵng đến năm 2020 đã được cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt trong cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị trần Ngọc Chính cũng đưa ra nhận định tương tự: “Đà Nẵng trở thành điểm sáng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển của cả nước”. Tuy nhiên điều mà các chuyên gia quan tâm hơn cả là hướng phát triển Đà Nẵng trong tương lai. Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Tp Đà Nẵng đến năm 2025 được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt năm ngoái, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, là trung tâm của vùng miền trung và Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia và là trung tâm vùng phát triển kinh tế biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng cấp quốc gia. Đà Nẵng đồng thời là Tp cảng, đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế và là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam trung bộ, Tây Nguyên và cả nước. Nhiệm vụ quy hoạch đề ra đầu bài: Đồ án Quy hoạch chung Tp Đà Nẵng phải nghiên cứu và đề xuất mô hình phát triển không gian Tp Đà Nẵng bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh (các thị trấn, thị xã…) bảo đảm sự gắn kết đồng bộ và ổn định giữa các không gian, có sự chuyển tiếp hài hòa giữa các khu đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới. Đồ án phải nghiên cứu đề xuất các phương án phân khu chức năng như khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, khu vực phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn môi trường thiên nhiên… Đóng góp ý kiến cho đồ án nói trên, GS Lê Hồng Kế đề xuất: Việc điều chỉnh quy hoạch chung Tp Đà Nẵng có thể đi theo các hướng. Thứ nhất, về tính chất đô thị, Tp Đà Nẵng không thay đổi. Tuy nhiên, do xu thế và đặc điểm phát triển ngày nay, nên nhấn mạnh và làm rõ thêm 2 yếu tố “sinh thái – môi trường” và “hội nhập khu vực và quốc tế”. Thứ hai, về quy mô, Tp nên xem xét khả năng có thể có đến 2 đến 2,5 triệu dân vào năm 2020 – 2025, sẽ xếp sau Tp.HCM và Hà Nội, ngang với Hải phòng, sớm gia nhập vào hàng ngũ các Tp trung bình và lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thứ ba, về tổ chức cơ cấu phát triển không gian, nên làm rõ các khu phát triển theo hình thức kiến trúc và quy mô đa dạng, linh hoạt theo các điều kiện tự nhiên. Cụ thể, trung tâm hành chính chính trị truyền thống của Tp Đà Nẵng gồm trung tâm thương mại, văn hoá với quần thể kiến trúc quanh nhà hát trưng Vương hiện nay kéo dài ra đến ven sông Hàn, dọc đại lộ Bạch Đằng. Bên cạnh đó, phát triển các khu khai thác các yếu tố sinh thái tự nhiên (sông, biển, hồ, núi, rừng…) với quy mô nhỏ tại ven các sông hồ tự nhiên như sông Cái, Suối Mơ, Bà Nà, Đống Nghệ, chân núi Sơn trà. phố cổ Hội An, dù là ranh giới quản lý hành chính thuộc tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên về không gian du lịch, Đà Nẵng cần có sự gắn kết về không gian với di sản thế giới này rất để khai thác phát triển du lịch hiệu quả hơn… Các khu sản xuất trong đô thị như KCN, cảng biển nước sâu, các khu kho tàng… là những khu chức năng sinh lợi đáng kể cho Tp, tuy nhiên với xu thế ngày nay, các khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch… đôi khi đem lại lợi nhuận không kém, thậm chí còn lớn hơn. Ngoài ra, GS Kế cũng đề xuất phát triển khu công nghệ cao cho Đà Nẵng vì khu công nghệ cao chiếm diện tích đất bé, tiêu thụ năng lượng ít, hàm lượng chất xám về khoa học và công nghệ rất lớn, lợi nhuận đem lại cũng rất lớn, ít gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái. Còn TS phạm Thúy Loan (Đại học Xây dựng Hà Nội) cũng đưa ra đề xuất: trong công cuộc toàn cầu hóa, Tp có sự cạnh tranh rất cao trong vùng, khu vực và quốc tế. Tp cần tập trung huy động cả tiềm năng nội lực và ngoại lực để phát triển đô thị mang bản sắc riêng, tương phản giữa truyền thống và hiện đại thể hiện ở cả hình thái không gian lẫn chức năng, nhưng được kết nối hoàn hảo về mặt giao thông mà trục sông Hàn chính là huyết mạch về văn hóa, kinh tế, xã hội. |