Dự thảo Luật Đô thị bao gồm 19 chương trong đó quy định các vấn đề như phân loại đô thị; kiến trúc cảnh quan đô thị; cải tạo và chỉnh trang khu đô thị; phát triển KĐTM; đất đô thị… đang được xây dựng và hoàn thiện. Dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp đầu năm 2012 và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2012.
Đô thị đang bị xâm hại Những năm gần đây, hiện tượng đào đường để hạ ngầm dây cáp điện, viễn thông, làm mới, sửa chữa hệ thống cấp, thoát nước một cách thiếu khoa học đã xảy ra hầu hết ở tất cả các đô thị trên cả nước; không gian đường phố bị chiếm dụng bởi các đường dây cáp điện, viễn thông, cáp truyền hình treo chằng chịt, làm mất mỹ quan, tạo ra sự bức xúc trong nhân dân, mất lòng tin vào tính hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tại Tp.HCM, trong suốt giai đoạn 2008 – 2009, dư luận rất bức xúc với vấn nạn “lô cốt”. Những lô cốt này chính là những rào cản được dựng lên trên đường phố suốt hàng tháng trời, phục vụ cho việc thi công các dự án vệ sinh môi trường, hoàn thiện hệ thống thoát nước, cải thiện môi trường nước và nâng cấp đô thị khiến mỗi ngày hàng trăm ngàn lượt xe phải dừng lại vì kẹt xe do lô cốt, gây lãng phí nhiên liệu, thời gian, cơ hội, ô nhiễm môi trường sống xung quanh, thiệt hại nặng về kinh tế. Theo Bộ Xây dựng, mặc dù có pháp lệnh về Quảng cáo quy định nội dung, chất lượng, cấp phép, xin phép quảng cáo… tuy nhiên chưa có đơn vị nào đứng ra xem xét xem rất nhiều các biển quảng cáo khi đặt cạnh nhau và đặt trong đô thị, đặt cạnh các biển báo giao thông. Hình ảnh dễ thấy trên các đường phố, biển hiệu, biển báo giao thông đa dạng phong phú các loại, với độ nhô ra thụt vào, rất mất mỹ quan. Quy phạm pháp luật hiện hành vẫn thiếu các chế tài mạnh để các nhà thầu khôi phục, trả lại hiện trạng ban đầu công trình nền, mặt đường sau khi thi công các công trình hạ tầng. Công tác bàn giao, lưu trữ hồ sơ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị chưa được thực hiện nghiêm túc. Hiện tượng cải tạo các ngôi nhà, khu phố thiếu quy hoạch chi tiết và sự xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, việc xây dựng nhà không phép làm cho hình ảnh đô thị trở nên méo mó, chắp vá… Cũng bởi nguyên nhân thiếu các quy định chặt chẽ, thiếu chế tài quản lý, đô thị Việt Nam luôn tồn tại các hiện tượng xả bừa bãi rác thải, phế liệu xây dựng, chất thải rắn ra đường phố, ra hệ thống mương thoát nước, ao, hồ. Người dân chiếm dụng hè đường để kinh doanh, tự ý nâng, hạ cao độ, cải tạo, sửa chữa vỉa hè không thống nhất làm mất mỹ quan đô thị. Công tác bảo vệ, thay thế các cây cổ thụ bị chết, hay đổ gãy do gió bão, việc bố trí cây xanh trên các đường phố còn mang tính tự phát, tuỳ tiện, thiếu khoa học…
Ban hành Luật Đô thị là cần thiết Ở nội dung rà soát đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, phát sinh từ nhu cầu thực tế của việc quản lý đô thị, nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật như các nghị định, thông tư về quản lý các hoạt động diễn ra trong đô thị đã ra đời nhưng chưa được quy về một Luật nào cụ thể. Từ những thực trạng nêu trên, Bộ Xây dựng cho rằng cần thiết phải có một Luật Đô thị với những văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, toàn diện, liên ngành, đa lĩnh vực đảm bảo cho các hoạt động quản lý, phát triển đô thị một cách đồng bộ và bền vững. Tất cả các hoạt động về quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị và các hoạt động vật chất khác diễn ra trong đô thị nếu ảnh hưởng đến không gian sống của người dân trong đô thị đều được quy định trong Luật Đô thị, được phân định thứ tự ưu tiên trước, sau với nguyên tắc lợi ích của cộng đồng, của số đông được ưu tiên trước lợi ích của các cá thể, được phân cấp quản lý cụ thể với nguyên tắc tập trung, thống nhất. Dự kiến, Luật Đô thị sẽ bao gồm 19 chương trong đó quy định các vấn đề như phân loại đô thị; kiến trúc cảnh quan đô thị; cải tạo và chỉnh trang khu đô thị; phát triển khu đô thị mới; đất đô thị; nhà trong đô thị, đường phố và các công trình giao thông; cấp – thoát nước đô thị. cấp điện, viễn thông và chiếu sáng đô thị; chất thải rắn đô thị; nghĩa trang và an táng; cây xanh đô thị; không gian ngầm đô thị; di sản đô thị; khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm… Thời gian thực hiện khoảng 24 tháng, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp đầu năm 2012 và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2012. |
Luật Đô thị: Đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn
7
Bài trước