Bán đảo Thanh Đa: Dự án “treo”… xuyên thế kỷ










“Không phải chỉ mới 16 năm nay đâu, mà từ sau giải phóng tôi đã nghe chuyện sẽ quy hoạch, phát triển Thanh Đa. Nhưng chính hai chữ “quy hoạch” mà người dân thực sự thống khổ. Nhà không xây sửa được, ruộng cũng không làm được, ao không nuôi cá được, đất không bán được, đường sá lầy lội, nước ngập lênh láng…”.  Ông lão chèo đò ở bến đò Bình Quới, nói như vậy khi nhắc đến hai chữ “quy hoạch”.


Bán đảo Thanh Đa: Dự án treo… xuyên thế kỷ
Bán đảo Thanh Đa như một ốc đảo, muốn qua phải lụy đò.




Quy hoạch như… chèo đò



“Chuyện quy hoạch, phát triển bán đảo Thanh Đa, nghe cứ như chuyện… chèo đò. Hết chèo qua rồi chống về mà vẫn không thấy gì mới. Gia đình tôi chèo đò ở đây bốn thế hệ rồi, chứng kiến bao nhiêu sự đổi thay của vùng đất Thanh Đa này, chỉ riêng có chuyện quy hoạch, năm nào, tháng nào cũng nghe, nhưng chẳng thấy thay đổi gì…”. Quả đúng như lời ông lão chèo đò Trần Văn Hoàng, 16 năm qua, từ khi TP.HCM có chủ trương quy hoạch bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) thành KĐT hiện đại “trong mơ” không thấy đâu chỉ thấy đời sống của hơn 23 nghìn hộ dân nơi đây ngày càng khổ sở, cuộc sống thấp thỏm, lo âu vì số phận cũng đang treo lơ lửng cùng dự án.



Chính vì chuyện quy hoạch nên khi người dân ở đây muốn xây sửa nhà cửa đều không được. Trong thẩm quyền của phường, người dân được phép xây nhà nhưng tường chỉ được xây cao… 1,5m, từ trên 1,5m không còn thuộc thẩm quyền của phường nữa. Ngay cả việc muốn cải tạo, sửa sang nhà cửa cũng phải cam kết với quận là nếu bị giải tỏa thì không được đền bù. Quận yêu cầu chụp lại toàn bộ hiện trạng trước khi sửa rồi mới cho phép sửa nhà. Khu vực P.28 là khu vực thường xuyên bị ngập lụt bởi triều cường, nhưng khi người dân muốn nâng nền, nâng mái thì thủ tục cũng lắm nhiêu khê vì đây là… vùng quy hoạch.


Bán đảo Thanh Đa: Dự án treo… xuyên thế kỷ
Cánh đồng hoang giữa lòng thành phố.



Dự án này “treo” lâu đến mức chính quyền quận cũng sốt ruột, nên đã có giai đoạn quận gần như để cho người dân sửa sang nhà cửa, sau đó tiến hành phạt rồi cho qua, nhưng ngay lập tức người dân cùng nhau sửa chữa khiến quận phải áp dụng biện pháp… cấm trở lại. Nhiều người dân mệt mỏi với chuyện quy hoạch “treo” nên quyết tâm bán đất, bán nhà để đi nơi khác, nhưng cũng vì quy hoạch treo nên không được sang nhượng và cũng không ai dám mua. Nếu túng quẫn quá hoặc bức xúc quá mà bán “lụi” thì giá cả hết sức bèo bọt, trong khi với địa thế của bán đảo Thanh Đa thì đúng là đất “vàng”… Nếu không có chuyện quy hoạch “treo” lơ lửng mười mấy năm nay, chắc chắn đời sống người dân khu vực này đã khác.




Quyết tâm như… thủy triều



Quyết tâm xây dựng KĐT Bình Quới – Thanh Đa của lãnh đạo TP được ví von như “thủy triều”, cứ hết lên rồi lại xuống, hết giao rồi lại rút… chỉ có bờ bãi Thanh Đa thì vẫn không có gì thay đổi. Theo “ông hội đồng” Đặng Văn Khoa, nguyên nhân đầu tiên của sự trễ nải là do việc TP đặt Thanh Đa không đúng tầm và sự thiếu nhất quán trong chủ trương đầu tư và chính sách quy hoạch. Thanh Đa là một địa thế hiếm có, một bán đảo đẹp, rộng lại nằm giữa lòng thành phố, nếu quy hoạch tốt, và phát triển đúng tầm, đây sẽ là một đô thị đẹp lộng lẫy và hết sức thơ mộng chứ không phải tình trạng nhập nhằng giữa phố và… ruộng như hiện nay.



Nhà ổ chuột xuyên thế kỷ vì dự án treo. 



Sự thiếu quyết tâm và thiếu nhất quán thể hiện khá rõ trong chính sách quy hoạch trong suốt 16 năm qua. Cụ thể, năm 1992, UBND TP.HCM có thông báo xác định khu đất Bình Quới – Thanh Đa (diện tích khoảng 410ha) là khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí. Nhưng mãi đến 12 năm sau, tháng 6/2004, để xóa quy hoạch “treo”, UBND TP.HCM mới ban hành quyết định thu hồi, tạm giao đất cho TCty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án. Rồi đến giữa năm 2007, chủ đầu tư mới được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Sau đó, chủ đầu tư lên kế hoạch tìm đối tác để thực hiện vì dự án có mức đầu tư quá lớn (khoảng 6 tỷ USD). Đùng một cái, UBND TP có thông báo (số 545 ngày 7/8/2007) là phải tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Mặc dù quyết định giao cho TCty Xây dựng Sài Gòn vẫn đang còn hiệu lực vì chưa có một văn bản nào của TP, thu hồi quyết định này.



Phía TCty Xây dựng Sài Gòn cho biết, chủ trương đấu thầu đang khiến họ bất an vì có thể bị… đứng ngoài cuộc, sau khi đã mất nhiều công sức đổ vào dự án. Dù vậy, nếu thành phố vẫn giữ quyết định giao dự án cho TCty Xây dựng Sài Gòn và các đối tác thực hiện thì có khả năng phải đến năm 2011 mới hoàn tất công tác đền bù giải tỏa. Trên thực tế, điều này cũng khó thực  hiện được vì rằng hiện vẫn chưa có quy hoạch thì ba năm nữa giải phóng xong mặt bằng là chuyện không tưởng. Mặt khác, theo khảo sát của Sở TN&MT thì năng lực của TCty Xây dựng Sài Gòn cũng “có hạn” vì TCty này và Q.Bình Thạnh chưa hề có quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư.



Mới đây nhất, UBND TP đã có quyết định giao cho liên doanh TCty Xây dựng Sài Gòn và các đối tác trong Cty Thanh Đa (gồm các cổ đông: Cty CP Hoàng Anh Gia Lai, Sacombank, Sacomreal, Cty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc) thực hiện công tác bố trí tái định cư và giao cho UBND Q.Bình Thạnh đo đạc, kiểm kê, tiến hành trình phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, rất có thể dự án này rất khó thành hiện thực trong vài năm nữa…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *