Một tỷ USD và người nông dân
















Càng gần ngày Tết càng nhiều người bàn luận về 1 tỷ USD kích cầu của Chính phủ nên chảy về đâu. Chỗ nào cũng cần cả, trong đó có nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ nhiều năm nay, đối với người nông dân Việt Nam, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, vào bao nhiêu ra hết bấy nhiêu. Vậy nên có người khuyên rằng cứ “bơm” tiền vào đấy, ắt sẽ kích được cầu. Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng, người nông dân Việt Nam lâu nay lam lũ đã quen rồi, nay có tiền là họ tiết kiệm, hoặc có cho vay không lấy lãi thì họ cũng không dám vay vì không có nguồn trả bởi họ đang đối mặt với một nền sản xuất nông nghiệp manh mún, năng suất lao động thấp…



Đã từ lâu, ai cũng biết rằng nền nông nghiệp Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo bởi 75 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ do chính sách khoán hộ trong nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là để có một tấn lương thực xuất khẩu, người nông dân Việt Nam phải gom sản phẩm từ 20 thửa ruộng. Trên thế giới, chẳng ở đâu làm được như thế. Và điều đó cũng có nghĩa là họ phải đổ mồ hôi hơn rất nhiều, lam lũ hơn rất nhiều so với nông dân của các nước khác.






Manh mún, nhỏ lẻ, công cụ lao động lạc hậu… là những căn bệnh của nhà nông Việt Nam mấy chục năm nay không thể chữa nổi với hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ ấy. Không thể đầu tư lớn, không thể hiện đại hoá nông nghiệp đã khiến nền nông nghiệp Việt Nam không thể nâng cao năng suất lao động.



Điều nữa là những câu hỏi trồng gì? Nuôi gì? dường như vĩnh cửu theo thời gian, lặp đi lặp lại như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc hàng ngày hàng giờ gõ đều đặn trong tâm cảm của những người nông dân Việt Nam. Hôm qua đúng, nay sai, ngày mai lại đúng, thay đổi nhanh hơn, kỳ ảo hơn cả thời tiết. Vừa mới trúng vụ mía đường xong, năm sau lại tần ngần trước ruộng mía bạt ngàn đang lụi dần mà chẳng có người mua. Vừa mới chặt vườn tiêu để trồng cà phê thì hồ tiêu lên giá. Vừa mới hối hả vay mượn tiền đầu tư vào đào ao nuôi cá tra, cá ba sa bởi nghe đâu thị trường nước ngoài đang hút hàng thì mấy tháng sau, cá quá tuổi thu hoạch mà giá rớt thảm hại, ăn thì không hết mà nhìn thị trường bạn lại quá xa xôi…



Có người đặt câu hỏi: tại sao chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến nông dân mà nông dân nước mình vẫn vất vả. Vì họ quá đông nên không thể có một chính sách cho tổng thể? Vì họ ít được học hành đến nơi đến chốn cho nên họ không thể tự thoát được cảnh nghèo? Vì họ vất vả đã thành quen nên không nỗ lực từ bỏ thói quen vất vả? Hay vì tiếng nói của họ quá lẻ loi nên chưa thành sức mạnh thay đổi?… Và nếu bây giờ có dành một phần trong số 1 tỷ USD kia cho họ thì liệu cái cơ địa ốm yếu ấy có tiêu hoá nổi?



Vấn đề là cần một chính sách tổng thể chứ không chỉ là tiền.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *