Chiến lược của đồ án là coi khu vực Hồ Gươm như viên ngọc “Bảo Long Châu” vô giá và cần trau chuốt để giá trị của viên ngọc quý phát huy hết khả năng tỏa sáng của mình. Bài dự thi của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng CDCC là một trong 9 phương án tham gia vòng hai cuộc thi ý tưởng quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Ý tưởng chủ đạo của đồ án là coi khu vực Hồ Gươm như viên ngọc “Bảo Long Châu” vô giá và cần trau chuốt để giá trị của viên “Bảo Long Châu” phát huy hết khả năng tỏa sáng của mình.
Ý tưởng được cụ thể hóa bằng việc mở rộng khu vực quanh Hồ Gươm thành công viên môi trường xanh với các tính chất và chức năng như tổ chức lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng; giới thiệu tổng quan về truyền thống văn hóa lịch sử của đất Thăng Long kết hợp với các chức năng hiện có là thương mại, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Phía bắc, mở rộng quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tạo không gian giao lưu và chuyển tiếp với không gian phố cổ. Các công trình nhà ở kết hợp kinh doanh trong khu vực phố cổ được cải tạo và chỉnh trang mặt ngoài theo định hướng khôi phục các ngành nghề truyền thống và nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của phố cổ xưa. Chiều cao định hướng cho các ô phố từ 2 đến 3 tầng với quy định chiều cao tối đa 2 tầng phía ngoài lô phố và cao dần vào phía trong.
Khu vực phía nam là nơi kinh doanh thương mại truyền thống. Dựa trên các công trình hiện có, đồ án cải tạo mặt ngoài tuyến phố, hình thành trục Thương mại – Dịch vụ theo hình thức kiến trúc Pháp cổ với không gian tiếp cận công trình thân thiện dạng hàng hiên và mái đua. Phía ngoài ô phố giới hạn chiều cao công trình từ 2 đến 3 tầng, phần phía trong ô phố có chiều cao trung bình từ 3 đến 7 tầng.
Phía đông là khu Lịch sử – Văn hóa – Lễ hội truyền thống. Đồ án tạo lập, mở rộng không gian cây xanh và quảng trường kết hợp với các công trình hình thành trục lễ hội, văn hóa và lịch sử. Các công trình trong khu vực chủ yếu là dạng tháp và nhà thấp tầng dạng nhà cầu, hành lang với hình thức kiến trúc dân gian Việt Nam. Đồ án cũng giới thiệu về tiến trình lịch sử của 4.000 năm dựng nước và giữ nước: Biểu tượng Tứ Bất Tử, tháp Thăng Long, tượng các danh nhân Việt Nam… Sân lễ hội có diện tích mặt bằng rộng là nơi tổ chức các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước và Thủ đô.
Phía tây là khu công viên cây xanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí mở rộng không gian tiếp cận với mặt hồ và tôn tạo cảnh quan khu vực đền thờ vua Lê Thái Tổ. Kết nối trục cảnh quan từ không gian xanh hiện có quanh hồ đến thư viện quốc gia, vườn hoa Hàng Trống tới Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Phần công trình ngầm gồm 4 khu vực lên xuống chính cho phương tiện cơ giới và người đi bộ. Các vị trí được bố trí đảm bảo sự thuận tiện của người sử dụng, là nơi kết nối không gian trên mặt đất với phần không gian ngầm. Công trình thương mại – dịch vụ – giao thông tĩnh và hạ tầng kỹ thuật đô thị được bố trí để đáp ứng nhu cầu của khu vực và vùng lân cận theo định hướng phát triển trong tương lai. Phần công trình ngầm dưới khu vực lễ hội có 4 tầng bao gồm các tầng dịch vụ: trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, các dịch vụ hạ tầng đô thị (bãi đỗ xe, vệ sinh công cộng). Kết cấu công trình ngầm ngoài độ bền và độ ổn định lâu dài cần đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn chất lượng công trình và thẩm mỹ.
Với chiến lược đưa hồ Gươm trở lại giá trị đích thực vốn có, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp tổ chức không gian khu vực hồ Gươm nhằm nâng cao giá trị và vị thế ctrong lòng thủ đô. |
Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm
3