Sau gần 12 năm trực thuộc Trung ương, bức tranh đô thị của thành phố ngày càng đẹp lên với những nét chấm phá đặc trưng rất Đà Nẵng. Thành phố của sông – biển – rừng ngày càng trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng, đồng thời là điểm đến ngày càng hấp dẫn của du khách gần xa. Điều đó không thể phủ nhận có vai trò không nhỏ của công tác quy hoạch thành phố.
Theo hướng trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại, công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đã được thực hiện một cách đồng bộ. Trên cơ sở quy hoạch chung, Thành phố đã và đang triển khai hàng loạt các dự án lớn nhỏ. So với cách đây 10 năm khi diện tích đô thị là 5.600ha, nay ranh giới đô thị đã gần đạt tới con số 9.000ha với hàng loạt các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp tập trung, các khu kho tàng, sản xuất nhỏ, các khu du lịch, các khu cây xanh, thể thao, các làng nghề… Việc phát triển các khu vực đô thị đồng hành với việc chỉnh trang nâng cấp các khu vực đô thị cũ. Hầu hết các tuyến đường nội thị cũ, các kiệt hẻm cũng được quy hoạch, quản lý và nâng cấp. Hệ thống giao thông đầu mối như sân bay, bến cảng, ga đường sắt và đường quốc lộ đều được đầu tư cho tương xứng. Nhiều tuyến đường, cầu trọng yếu đã được xây dựng. Các công trình xây dựng trọng điểm thuộc nhiều lĩnh vực liên tục được đầu tư như hệ thống các công trình y tế, giáo dục, văn hoá thể thao, dịch vụ thương mại… Hệ thống cấp nước, thoát nước cũng được đầu tư mạnh. Hiện nay phần lớn dân số đã dùng nước sạch…
Với phương châm “Công tác quy hoạch đô thị luôn song hành với công tác xúc tiến thu hút đầu tư”, thành phố Đà Nẵng đã mạnh dạn mời các tổ chức tư vấn, chuyên gia quy hoạch nổi tiếng thế giới tham gia hoạch định quy hoạch thành phố; tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn do các truờng đại học trong nước tham gia phản biện, xem đây là bước đột phá. Thành phố đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư (trực thuộc UBND thành phố là đầu mối), giải quyết thủ tục một cửa, hướng dẫn, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư làm ăn tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thành phố cũng trực tiếp đảm nhận công tác giải phóng mặt bằng; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng (như cấp điện, cấp nước, giao thông, thoát nước, viễn thông…) đến chân tường rào dự án, Nhà đầu tư nhận đất sạch (đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng) để triển khai dự án. Dự thảo bản thoả thuận nguyên tắc đầu tư để cụ thể hoá những điều khoản thoả thuận giữa chính quyền thành phố với nhà đầu tư (có thể hiện quy chế ràng buộc trách nhiệm mỗi bên như nếu bàn giao mặt bằng trễ thành phố bị phạt tiền theo lãi suất ngân hàng, còn nếu nhà đầu tư triển khai chậm hoặc không triển khai dự án theo kế hoạch thì sẽ mất số tiền sử dụng đất ứng trước đã nộp cho thành phố khoảng 10%). Đây là cách làm của Đà Nẵng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất tâm đắc.
Ở Đà Nẵng, một số tuyến đường đã được triển khai ngầm hóa như: Đường Điện Biên Phủ với toàn bộ tuyến điện trung, hạ thế phần vỉa hè phía bắc kể từ Ngã ba Huế đến ngã tư Lê Độ- Nguyễn Tri Phương- Điện Biên Phủ, đường Trần Phú… Sự thay đổi trên đã tạo một diện mạo mới cho những con đường này, đẹp hơn, sạch hơn và quang đãng hơn, làm nổi bật các công trình kiến trúc trên các tuyến đường. Rồi đây, sẽ còn có thêm nhiều con đường, nhiều công trình xuất hiện dưới lòng đất Đà Nẵng, để cho diện mạo đô thị ngày càng thêm khang trang và hiện đại hơn…
Kể từ khi trực thuộc Trung ương và sau đó là thành phố Loại I cấp quốc gia, lại được tiếp thêm “chất xúc tác” là Nghị quyết 33, diện mạo của thành phố bên bờ sông Hàn khởi sắc lên từng ngày. Sự thay đổi đó có được là do có những chủ trương chính sách đúng đắn và có tính chiến lược, tầm nhìn xa của thành phố, trong đó có công tác quy hoạch đô thị. |