Thuở ban đầu Sau kháng chiến chống Pháp, Thủ đô Hà Nội được giải phóng và rất cần vật liệu để xây dựng lại. Tháng 10/1958, Đảng uỷ và Ban giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đã lập tổ công tác đi điều tra thực tế để mở một công trường sản xuất gạch phục vụ cho nhu cầu xây dựng Thủ đô. Ngày 15/2/1959, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội đã ra quyết định thành lập “Công trường gạch Thạch Bàn” trực thuộc Cty Sản xuất VLXD kiến trúc Hà Nội tại xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm (khi đó còn thuộc tỉnh Bắc Ninh).
Thời đó sản xuất gạch hoàn toàn thủ công bằng sức lao động của “thợ Phơ” với quy trình kỹ thuật là “ba mai, hai kéo, một xéo” để làm đất và đóng từng viên gạch mộc. Quy mô sản xuất nhỏ và công cụ giản đơn nên sản lượng đến những năm 1962 – 1963 chỉ đạt 3 – 4 triệu viên/năm. Từ năm 1965, đồng chí Đinh Văn Roan được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp (XN). XN được trang bị thêm một số máy đùn ép gạch của Cơ khí Duyên Hải – Hải Phòng, Cơ khí Trần Hưng Đạo – Hà Nội thay thế cho cảnh đóng gạch thủ công, băng chuyền vào lò thay thế cho đôi vai gánh gạch lên lò và xe cải tiến để thay cho đôi quang gánh, gánh gạch khô đến chân băng chuyền. Chất lượng viên gạch nâng lên. Năng suất tăng, sản lượng đã nâng lên đến 9 triệu viên/năm với khoảng 700 CBCNV làm việc trong XN.
Năm 1964, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, XN gạch ngói Thạch Bàn nằm gần sân bay Gia Lâm, Hà Nội vì thế XN cũng nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Nhiều CBCNV của XN đã hăng hái tình nguyện lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam. Vượt lên mọi khó khăn, những người ở lại XN vừa tích cực tham gia chống chiến tranh phá hoại, vừa đẩy mạnh thi đua sản xuất “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.
Ngày 5/6/1969, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc có quyết định tách XN Gạch ngói Thạch Bàn ra khỏi Cty Kiến trúc Khu Bắc Hà Nội thành XN trực thuộc Bộ. Hàng loạt hạng mục công trình được đầu tư mới. Đơn vị còn được Bộ chọn làm thí điểm thực hiện chế độ hạch toán kinh tế sản xuất. Khâu khai thác đất đã được cơ giới hoá, kỹ thuật tạo hình và nung đốt được nâng cao bởi XN lắp thêm máy đùn ép hút chân không của Tiệp Khắc, máy ép đùn EG5 của Cơ khí Liên Ninh. Lò nung được xây mới có công suất 8 – 10 vạn viên/mẻ. Cuối năm 1969, XN còn xây dựng thêm cả hầm sấy tuynen 10 hầm. Từ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên, tỷ lệ gạch loại A tăng từ 80 – 85%. Sản lượng tăng lên 14 – 15 triệu viên/năm. Tháng 7/1970, Bộ Xây dựng bổ nhiệm đồng chí Vũ Đức Bao làm Giám đốc XN. Năm 1978 là năm XN đạt sản lượng cao nhất: Đạt 23 triệu viên, đời sống CBCNV được cải thiện. XN đã đầu tư xây dựng nhà tập thể 3 tầng và nhiều nhà cấp 4 cho người lao động. Điện chiếu sáng đã kéo đến khu tập thể. Trong giai đoạn này, XN vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì. Đảng bộ XN liên tục được công nhận là “Đảng bộ vững mạnh” của TP Hà Nội. Từ 1979 là thời kỳ khó khăn chung của đất nước. Những năm 1981 – 1984, với truyền thống là đơn vị hàng đầu của Liên hiệp các XN gạch ngói sành sứ, tập thể CBCNV từng bước phấn đấu vượt qua thử thách khó khăn, luôn luôn giữ vững danh hiệu là “Anh cả Đỏ” trong ngành gạch ngói. Để cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người lao động, XN đã tổ chức tăng gia sản xuất, chăn nuôi gà công nghiệp, trồng nấm, nuôi giun, thả cá… tổ chức sản xuất sản phẩm “kế hoạch ba”. Mở rộng liên doanh sản xuất gạch với Sân bay Gia Lâm và trường Đại học Nông nghiệp 1. Năm 1985, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thế Cường làm Giám đốc XN. Là một kỹ sư silicat tâm huyết với nghề, đã trải qua thực tế sản xuất và tham gia giải quyết công việc ở những nơi khó khăn nên đã mạnh dạn áp dụng các cải tiến quản lý, cải tiến khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cuối năm 1988, XN quyết định giảm biên chế giản tiếp, áp dụng phương án “Phân phối theo kết quả của sản xuất”. XN đã cộng tác với trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức sản xuất bột màu, gạch men sứ và máy cắt gạch tự động. Đặc biệt XN đã tổ chức sản xuất gạch rỗng, pha than vào đất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói là đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Đảng và Nhà nước mở rộng cơ chế quản lý, khuyến khích các DN tự chủ trong SXKD. Đây là điều kiện thuận lợi để XN gạch Thạch Bàn bắt đầu thời kỳ đầu tư phát triển. Mở đầu là việc xây dựng lò nung tuynel vào tháng 7/1991, xây dựng hệ thống nhà cáng kính phơi gạch 1993. Cty Thạch Bàn đã chuyên sâu vào công tác xây dựng, vận hành hệ thống lò nung lò sấy tuynel, hệ cáng kính phơi gạch nên đã nâng công suất thiết kế của lò từ 20 lên 28 triệu viên/năm (1993), 31 triệu viên/năm (1995), 34 triệu viên/năm (1997) và năm 2000 lên 40 triệu viên/năm với chất lượng cao và đa dạng mẫu mã sản phẩm.
Từ kết quả trên, Thạch Bàn đã mạnh dạn đi chuyển giao công nghệ và xây dựng các nhà máy gạch tuynel cho các địa phương: Nghệ An (1992), Ninh Bình (1993), Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình (1994)… Đến năm 2008, Cty Thạch Bàn và các Cty con đã tham gia xây dựng và chuyển giao công nghệ cho hơn 120 nhà máy gạch tuynel trên cả nước. Bằng sự chuyên sâu nghiên cứu, vận hành và liên tục cải tiến công nghệ sản xuất gạch ngói bằng lò nung tuynel và việc chuyển giao công nghệ xây lắp các nhà máy gạch tuynel, CBCNV Cty Thạch Bàn tự hào là đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp “Thay đổi tận gốc nghề làm gạch” ở Việt Nam. Không dừng ở kết quả đó, năm 1994 Thạch Bàn đã được Bộ Xây dựng và Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng nhà máy gạch ốp lát granit nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam có công suất 1 triệu m2/năm với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tháng 11/1996, những mét vuông gạch granit đầu tiên đã ra lò đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành sản xuất VLXD Việt Nam đã làm chủ được những công nghệ mới, vận hành được những thiết bị tự động hoá cao để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, thay thế cho hàng nhập ngoại. Nhà máy granit đi vào hoạt động đã đưa sản lượng, doanh thu, thu nhập, đóng góp vào ngân sách Nhà nước được nâng lên, đồng thời vị thế của Thạch Bàn cũng được nâng cao. Năm 2001 Thạch Bàn tiếp tục đầu tư mở rộng nâng công suất lên 2 triệu m2/năm. Năm 2002 xây dựng thêm dây chuyền sản xuất gạch trang trí mosaic. Có thể nói những năm cuối thế kỷ XX, Cty Thạch Bàn sung sức đầu tư phát triển với 3 dòng sản phẩm: Gạch xây ngói lợp truyền thống; xây dựng và chuyển giao công nghệ các nhà máy gạch tuynen; sản phẩm gạch ốp lát Thạch Bàn TBC. Với những thành tích xuất sắc này, Cty Thạch Bàn đã được Nhà nước tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất và 1 Huân chương Độc lập hạng Ba cùng nhiều Huy chương Vàng, Cúp Vàng cho chất lượng sản phẩm.
Khi nền kinh tế đất nước ngày càng chuyển sâu vào nền kinh tế thị trường thì hoạt động SXKD của các DNNN càng gặp nhiều khó khăn. Thạch Bàn đã phải trải qua cơn bão đó để lột xác và vượt khó, từng bước ổn định và tiếp tục phát triển. Những năm 2003 – 2004 Thạch Bàn lỗ nhiều do nhiều nguyên nhân: Biến động thị trường, đầu tư nhiều Cty con, xây dựng thêm nhiều nhà máy, làm nhiều lĩnh vực (đa ngành), quản lý chưa tốt vì thiếu cán bộ cho việc mở rộng sản xuất, cơ chế quản lý của Nhà nước… Con thuyền cứu sinh cho Thạch Bàn khi đó là công tác cổ phần hoá (CPH). Chính CPH vào đầu năm 2005 đã giúp Thạch Bàn tự đánh giá lại mình và xốc lại công tác quản lý, sản xuất. Năm 2005 Thạch Bàn vẫn còn lỗ do những tồn tại cũ để lại. Từ năm 2006, Thạch Bàn bắt đầu có lãi và lãi các năm sau cao hơn năm trước. Để có được kết quả trên là do DN được tự chủ, lãnh đạo và CBCNV đã phải thực sự lột xác, dám cắt bỏ những dư thừa, triệt để tiết kiệm trong sản xuất và áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tiết kiệm chi phí. DN phải đổi mới công tác bán hàng, duy trì và phát triển thương hiệu. Từ năm 2001 – 2007 Cty Thạch Bàn đã thành lập thêm 8 Cty con là những Cty CP. Đây là sự phát triển tất yếu để mở rộng sản xuất, mở thêm ngành nghề kinh doanh và phát huy thương hiệu. Trong năm 2008, Cty mẹ – con Thạch Bàn cũng phải dứt ruột nhượng đi 1 Cty, sáp nhập 1 Cty vì làm ăn thua lỗ. Đồng thời vẫn quyết định nhượng thêm 1 Cty dù Cty này đang làm ăn có lãi để tập trung vốn cho chiến lược đầu tư lâu dài của Mô hình Thạch Bàn. Cuối năm 2008, Mô hình Thạch Bàn lại thành lập thêm Cty Thạch Bàn Xanh tại Quảng Ninh để mở rộng sản xuất và vươn sang các lĩnh vực du lịch, trồng rừng… Đến đầu năm 2009, Mô hình Thạch Bàn bao gồm một Cty mẹ và 6 Cty con, một chi nhánh tại TP.HCM. Lĩnh vực SXKD của Mô hình Thạch Bàn được mở rộng với các nghề truyền thống là: Gạch xây, ngói lợp; gạch ốp lát granite, mosaic; xây lắp chuyển giao công nghệ các nhà máy sản xuất VLXD; kinh doanh, xuất nhập khẩu VLXD. Ngoài ra còn mở rộng thêm: Xây dựng và kinh doanh BĐS; khai thác và kinh doanh khoáng sản; du lịch và trồng rừng. Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, cùng với những thăng trầm của cơ chế quản lý và nền kinh tế đất nước, Cty Thạch Bàn luôn luôn tự khẳng định mình, luôn hoàn thành kế hoạch SXKD và đảm bảo đời sống cho người lao động. Đặc biệt, Cty luôn đi đầu trong đổi mới công nghệ sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao cho xã hội. Mô hình Thạch Bàn đã tự hào góp phần tích cực vào sự nghiệp “đổi mới nghề làm gạch ở Việt Nam”. Thạch Bàn tiếp tục củng cố, ổn định và từng bước phát triển thành một Tổ hợp DN sản xuất VLXD điển hình và lớn mạnh ở Việt Nam. Nguyễn Thế Cường |