Người Sông Đà trên đất Na Hang









Những ngày cuối năm, núi rừng Na Hang như thắm lại màu xanh. Đỉnh Pắc Tạ từ bao đời nay vẫn thế mà xuân nay như cao hơn, ngạo nghễ soi mình xuống hồ thủy điện Tuyên Quang. Năm nay người Tày, người Dao ở xứ Na Hang đón Tết to hơn mọi năm vì khắp nơi được mùa, lại thêm tin vui vì người Sông Đà đã hoàn thành cả 3 tổ máy của Thủy điện Tuyên Quang. Vui thế, thắng lợi thế mà đi bên tôi, ông Chủ tịch huyện Na Hang Chẩu Xuân Oanh nói với giọng buồn buồn: “Công trình đẹp và vĩ đại quá. Nhưng lại sắp xa các anh Sông Đà rồi”. Tôi chợt nhận ra giọng nói của ông Chủ tịch người dân tộc Tày là tiếng của rừng, tiếng của con suối. Nó mộc mạc như tiếng ru của gió ngàn, nó gợi lên những kỷ niệm những năm tháng người Sông Đà với núi rừng Na Hang.



Người Sông Đà trên đất Na Hang
Nguồn sáng được thắp lên từ đây.


Cuối năm 2001, đoàn cán bộ của Chính phủ và TCty Sông Đà lên khảo sát lần cuối để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xuất phát sớm từ Hà Nội, đến Chiêm Hóa mặt trời đã ở đỉnh đầu. Qua huyện Chiêm Hóa, đoàn công tác dừng lại để chuẩn bị vào Na Hang. Đường Chiêm Hóa – Na Hang ngày ấy bé như con đường làng. Hai bên đường tre nứa um tùm đổ ập xuống lối đi. Đèo dốc quanh co, càng đi càng thấy xa, người lái xe Sông Đà cứ ngỡ mình đi lạc đường. Đến đèo Cổ Yểng, cả đoàn dừng lại để lấy sức. Mọi người ùa ra bên đường tranh thủ hít khí trời. Thị trấn Na Hang ngày ấy như vạt khăn nép kẹp bên sông Gâm, phía bên kia là rừng là núi. Bến xe huyện nằm cạnh thửa ruộng còn phơi gốc rạ, vài quán ăn lèo tèo lưng chừng núi. Rượu ngô được xếp từng dãy bên đường để chở xuống miền xuôi. Lâu lâu xuất hiện đàn bò không dây thừng, không người chăn dắt đi qua con đường Trung tâm đủng đỉnh nhìn trời. Bữa cơm chiều tại cơ quan Huyện ủy, ông Bí thư là dân vùng cao Thượng Lâm giọng run run vì xúc động: “Dự án thủy điện Tuyên Quang là dự án trọng điểm quốc gia, việc xây dựng thủy điện Tuyên Quang tại Na Hang là tấm lòng của Đảng, của nhân dân cả nước với quê hương cách mạng. Dự án này mở ra một hướng đi mới, một sức sống mới cho sự phát triển kinh tế và đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc trên quê hương chúng tôi”.



Người Sông Đà vốn thạo việc và quý thời gian. Trong khi chờ đợi các quyết định phê duyệt cho công trình chính, đường Chiêm Hóa – Na Hang được thiết kế chóng vánh và khởi công năm 2002. Xe to, máy lớn, máy xúc, máy khoan từ công trình  Ialy, Sê San được điều về trải dài khắp tuyến đường gần 40km. Bạt núi, san đồi, những cỗ máy hiện đại được những người thợ trẻ Sông Đà vận hành đánh thức núi rừng Tuyên Quang. Người Dao Chiêm Hóa, người Tày Na Hang say sưa ngắm nhìn. Buổi sáng tinh mơ có tốp người Tày lưng đeo gùi tay cầm dao đi làm nương. Người lớn tuổi trong nhóm quay lại nói với cả đoàn: “Chiều qua đứng ở nơi này còn thấy cái núi, sáng nay cái núi đi đâu. Người Sông Đà làm hay là con ma nó chuyển?”. Anh thợ máy sau đêm ca 3 giơ tay chỉ đường cho họ đi theo lối mới. Đến lúc này, những người dân ở nơi vùng sâu, vùng xa mới thấy tận mắt, sờ tận tay những sứ giả của sự nghiệp CNH, HĐH. Hơn một năm sau, đường Chiêm Hóa – Na Hang hoàn thành. Nó như dải lụa vắt từ cầu Bợ đến chân công trình Nhà máy thủy điện. Đây là màn chào hỏi đầu tiên của người Sông Đà khi viết bài ca Thủy điện Tuyên Quang. Đường Chiêm Hóa – Na Hang được đánh giá là con đường đẹp nhất vùng. Đã 5 năm qua rồi mà khi đi trên con đường này, người dân vùng chiến khu cách mạng lại mơ những điều rất giản dị. Họ ước gì quê mình ở đâu đó lại có công trình để người Sông Đà tiếp tục đi qua với những con đường đẹp.



Chỉ qua con đường ấy, người Sông Đà như đã bén duyên với đồng bào Tày, Na Hang. Một chiến dịch di dân rầm rộ, người Tày người Dao tình nguyện rời mảnh đất của mình để Sông Đà xây dựng. Chưa ở công trình nào công việc đền bù giải phóng mặt bằng được giải quyết thuận lợi như công trình thủy điện Tuyên Quang. Nhà sàn, máng nước, vườn cau đã từng gắn bó lâu đời với đồng bào được di dời đến nơi ở mới tại Thanh Tương, Hàm Yên… Phần vì người dân ở đây vốn là quê hương cách mạng, phần vì họ biết rằng người Sông Đà sẽ làm được những điều kỳ diệu cho núi rừng Na Hang. Ngày 22/12/2002, Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang trong niềm hân hoan của người Tày, người Dao, người Sông Đà. Thấm thoắt đã 6 năm trời, thời gian như cánh chim bay qua đỉnh Pắc Tạ, những người thợ Sông Đà ngày đêm 3 ca trên công trường. Người Na Hang cặm cụi cấy cái lúa thơm, trồng cái rau xanh cho người công trường. Không còn khoảng cách người Sông Đà và người Na Hang. Đám cưới của người Tày ở nhà sàn xã Năng Khả chợt vang lên Bài ca Sông Đà. Bận là thế, công việc là thế, người Sông Đà vẫn dành chút thời gian ít ỏi của mình chia sẻ vui buồn với người bản xứ. Thuận ý trời, đẹp lòng người, dòng sông Gâm vốn hung dữ, khốc liệt từ ngày có bàn chân của người Sông Đà trở lên thơ mộng và dịu hiền.



Người Sông Đà trên đất Na Hang
Dấu ấn công trình trên dòng sông Gâm.


Tác giả thiết kế công trình Thủy điện Tuyên Quang là người đã dành nhiều năm khảo sát tìm tòi văn hóa người Na Hang. Bây giờ công trình hoàn thành mới thấy nó đẹp, hài hòa mang đậm chất văn hóa của người Việt cổ. Đỉnh Pắc Tạ sừng sững là tượng đài của người dân bản xứ, đặt dưới chân nó là một nhà máy thủy điện với những giàn cần cẩu khổng lồ và một con đập tung bọt nước trắng xóa. Tính toán giá trị kinh tế, lợi ích của công trình đem lại cho Tổ quốc xin để dành cho các nhà kinh tế, nhà quản lý. Còn một thứ giá trị hơn mọi thứ trên đời là nghĩa tình của người Sông Đà với người Na Hang qua năm tháng xây dựng công trình.



Từ khi người Sông Đà đặt chân lên vùng đất Na Hang, các trường học ở vùng quê này như khởi sắc. Trường mầm non Hoa Mai được thợ Sông Đà xây dựng lại trang bị đồ dùng, đồ chơi cho các cháu, trường Tiểu học, trường THCS có nhiều em học giỏi đạt điểm cao. Đặc biệt cũng từ ngày đó, số con em Na Hang đỗ đạt vào đại học, cao đẳng ngày một nhiều. Cũng phải thôi, chắc không có bài giảng nào hay hơn bài giảng đang diễn ra hàng ngày trên đất này. Đường đi học của lũ trẻ qua công trường thi công, tận mắt thấy cuộc sống của người Sông Đà. Ngày xưa học xong trở về làm nương, làm rẫy, ngày nay học xong để làm thợ hàn, thợ lái máy xúc, làm kỹ sư. Phải chăng lũ học sinh đã định đoạt tương lai của mình từ cái nhìn về công trình  thủy điện. Học để làm người, học để có kiến thức đi xây dựng những công trình cho đất nước, học trở thành kỹ sư Sông Đà yêu đời và khát khao cuộc sống.



Hàng năm vào dịp mùa xuân, người Tày ở thị trấn Na Hang tổ chức giải vô địch bóng đá khu vực. Là giải bóng đá chân đất không xếp thứ hạng nào nhưng nó ganh đua khốc liệt như cuộc chiến giành quyền uy của các tù trưởng thời xa xưa. Khi trận đấu của tổ 10 diễn ra tại sân vận động trung tâm, có một người phụ nữ gần 60 tuổi chạy đi chạy lại suốt đường biên hò hét đội nhà tấn công. Bà tên là Nông Thị Dung – tổ trưởng tổ dân phố vừa là huấn luyện viên chỉ đạo viên và nấu nướng viên cho đội bóng. Bà tổ trưởng ấy thành lập đội bóng như kiểu bắt lính thời xưa. Bà ghi tên những thanh niên địa phương khỏe mạnh, những kỹ sư và cả ông giám đốc Sông Đà rồi tung họ vào cuộc chiến. Đội bóng tổ 10 năm ấy vô địch, các đội khác hậm hực phàn nàn vì thua trận, nhưng không ai kêu ca rằng tổ 10 vô địch vì có ngoại binh Sông Đà. Như vậy người lớn ở Na Hang đã coi người Sông Đà là ruột thịt, còn lũ trẻ ngơ ngác thấy bản làng mình lại có những con người siêng năng và đá bóng hay như thế.




Thợ Sông Đà những ngày xây dựng thủy điện Tuyên Quang.


Xây dựng thủy điện là một quá trình đầy gian nan vất vả. Để có được công trình mang lại hiệu quả kinh tế người thiết kế thường dựa vào địa hình thật dốc, núi cao. Còn người Sông Đà chỉ biết dựa vào lòng dân nơi con nước chảy qua. Đã nhiều năm người Mường Hòa Bình, người Ê Đê, Gia Rai Tây Nguyên và bây giờ là người Tày Tuyên Quang là điểm tựa vững chắc của người Sông Đà. Trời phú cho thần dân Sông Đà yêu đời và biết sống. Từ nhiều thế hệ người Sông Đà luôn truyền và dạy cho nhau một lối sống mang bản sắc Sông Đà. Đó là tính cộng đồng, tình yêu thương và sự đùm bọc sẻ chia. Cũng vì thế những địa danh mà những người Sông Đà đi qua, ở đó là địa chỉ tin cậy, là mối tình bền chặt.



Tết Kỷ Sửu năm nay nhiều phố phường, bản làng chan hòa trong ánh điện. Từ vòng cung Sông Gâm có một nguồn năng lượng theo đường dây cao thế lan tỏa đến mọi gia đình. Nguồn sáng ấy được đốt lên bởi một thứ năng lượng sạch đó là mồ hôi của người thợ Sông Đà và tấm lòng của người dân Na Hang. Nguồn sáng đó ấm áp và vô tận…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *