Lâu nay ở nông thôn, mọi chuyện ăn ở, học hành, hiếu hỷ… tất tần tật hầu như khoán trắng cho chính quyền xã. Cái “bị” ấy chứa quá nhiều thứ nên không kham nổi. Bây giờ hễ có chuyện gì cứ đổ riệt lên đầu ông xã nghĩ cũng tội, nên chuyện ăn ở của nông dân không biết hỏi ai. Ông chủ tịch xã N ở Bắc Giang than: Việc ăn ở, nếu có hướng dẫn thì còn cái để mà làm. Đằng này chúng tôi không biết dựa vào đâu. Chuyện quy hoạch, kiến trúc nông thôn chẳng biết ai quản chuyện này ở đây cả. Dân thì ai có tiền cứ xây nhà mới, không cần hỏi chính quyền. Xây nhà hướng nào, cửa mở về đâu thì đã có… thầy địa.
Ai lo chuyện quy hoạch xây dựng nông thôn? Vì quá cầu toàn, hoặc quan trọng hoá việc này đối với vùng nông thôn, nhiều người đã không hy vọng sẽ làm được công tác quy hoạch có bài bản cho 12.000 xã với hàng chục nghìn làng xóm trên cả nước. Thực tế không đặt vấn đề nặng nề như vậy. Bởi quy hoạch, xây dựng ở nông thôn, nếu nắm bắt được đặc điểm cụ thể của địa bàn này thì công tác quy hoạch kiến trúc chỉ cần hướng dẫn, định hướng, sau đó xã hội hoá để cơ sở và nhân dân tự giác làm. Không dự án, không cần tốn nhiều kinh phí… mà vẫn có thể làm được quy hoạch và định hướng kiến trúc. Đã có nhiều nơi công tác quy hoạch nông thôn được làm tự phát, mà vẫn đâu vào đấy. Tôi đã đến những ngôi làng như vậy. Ở đó mỗi gia đình được chia một lô đất ở, có tính đến hướng nhà và hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng… Bây giờ sau nhiều năm đường ngang ngõ dọc đàng hoàng, nhà cửa được xây dựng theo trật tự nhất định, kiến trúc có lựa chọn mô hình mang phong cách nhà Việt. Vào mỗi ngôi nhà như vậy, có cảm giác êm đềm của làng quê, mà vẫn phảng phất ý tưởng của cuộc sống hiện đại. Ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, sau chiến tranh trở về, việc đầu tiên người Vĩnh Linh làm là bố trí lại quy hoạch ăn ở. Làng xã nào cũng tổ chức họp dân, lấy ý kiến về quy mô nhà vườn, chiều rộng đường làng, thậm chí đâu sân bóng đá, đâu nhà văn hoá… cũng được thông qua dân. Một vấn đề có tính bao trùm là quy hoạch nông thôn phải theo hướng tiến đến đô thị hoá, hiện đại hoá phù hợp với xu thế phát triển. Đất nước trên đường công nghiệp hoá, thì việc quy hoạch xây dựng nông thôn phải hướng tới tương lai xa, để lâu dài nông thôn của ta vẫn phù hợp với nhịp sống công nghiệp. Đường làng bây giờ không thể cứ để như cũ, với chiều rộng chỉ đủ cho người và trâu bò qua lại như xưa. Đường bây giờ phải rộng rãi cho những ôtô hạng nặng vào “ăn” hàng, đưa đón khách. Không ai có thể đòi giữ lại làng với phần lớn các công trình nhà ở kiến trúc đơn giản, tạm bợ. Không gian làng Việt phải giữ lại nét đẹp trong cảnh quan, công trình kiến trúc cổ. Nhưng không vì thế mà làm quy hoạch chắp vá, tuỳ tiện, để đến một ngày làng quê trở nên ngột ngạt, quá tải… Vấn đề quy hoạch không gian làng nên giao cho cơ sở đảm nhiệm, có tập huấn hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn mô hình mẫu. Về hạ tầng, về không gian chung cho các công trình phúc lợi, công trình văn hoá, thể thao cũng cần có thống nhất. Chỉ như vậy quy hoạch nông thôn mới được xã hội hoá để nhân dân tham góp vào việc chuẩn bị không gian sống cho chính mình, trên cơ sở quy định chung, chuẩn hoá Nhà nước về quy mô, tiêu chuẩn các công trình hạ tầng, công trình công cộng… Và chỉ như vậy, nông thôn mới được làm quy hoạch khi lực lượng KTS không thể đông đảo tới mức phủ sóng cho hàng chục nghìn làng xóm, bản mường…
Từ lâu giới kiến trúc đã từng tổ chức hội thảo, thi mẫu thiết kế mô hình nhà ở nông thôn. Nhưng việc phổ biến chúng, đưa chúng vào đời sống có lẽ chưa ai làm nên nông dân còn lúng túng. Những mô hình nhà ở nông thôn đưa ra khá nghèo nàn, thiếu không gian sống, vì vậy ít người áp dụng và phổ biến rộng rãi…
Để giữ gìn bản sắc kiến trúc Việt nên chăng tổ chức sáng tác mẫu nhà ở nông thôn và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để dân tham khảo. Nên chăng cấm hình thức cấp đất chia lô xây nhà ống ở nông thôn. Nhà ống, trước hết nó là mô hình của đô thị lỗi thời, không có bàn tay quy hoạch và kiến trúc nên khó có thể chấp nhận trong điều kiện nông thôn. Ngay đến một số bản mường hiện nay, nhà ống đang lấn át nhà sàn truyền thống. Đã đến lúc đưa văn hóa kiến trúc vào đời sống, để mỗi địa phương cơ sở tổ chức tuyên truyền phổ biến đến tận người dân. Chỉ khi ấy mới có thể đánh thức tư tưởng nhà ai nấy xây, xây thế nào tùy ý. Những đô thị và cụm nhà ở nông thôn sẽ ít dần đi và thay vào đó là những xóm làng có quy hoạch đường sá, có hướng dẫn kiến trúc nhà đẹp theo phong cách mỗi dân tộc hoặc mỗi vùng miền. Tương lai ấy ở ngay trước mắt mỗi nhà quản lý xây dựng. (Còn nữa) |