Móng Cái- Thành phố trẻ





Đi dọc các đường phố Móng Cái hôm nay, du khách khó có thể tìm thấy những dấu vết một thị trấn cũ hoang tàn cách đây 30 năm. Những cao ốc, khách sạn mọc san sát bên cầu Ka Long, đường phố mịn màng như trải lụa.


Chợ Trung tâm TP Móng Cái



Thị trấn cũ, thành phố mới



Theo sử liệu, Móng Cái vốn chỉ có 5 dân tộc anh em định cư sinh sống gồm: Kinh, Dao, Tày, Hoa, Sán Dìu sinh sống nhưng hiện nay thì xuất hiện khá nhiều dân tộc đổ về đây làm ăn, sinh sống. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hồng Hải (72 tuổi, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hải Xuân, ngụ tại phường Hoà Lạc, TP Móng Cái) cho hay, ngày 17-4-1994, cửa khẩu quốc tế đường bộ Móng Cái chính thức được hai nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa công nhận nhưng trước đó từ năm 1989, cư dân biên giới hai bên đã qua lại làm ăn một cách bình thường. Cư dân VN mang sang biên giới những hàng nông thổ sản và cư dân TQ mang những hàng hoá nhưng thiết bị điện tử, đồng hồ, nhưng nhiều nhất vẫn là vải vóc như vỏ chăn con công, mũ cối… vốn được người VN ưa chuộng từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Việc buôn bán thuận lợi do nội địa VN khan hiếm những mặt hàng tiêu dùng khiến dân cư nhiều tỉnh phía Bắc VN đổ dồn về Móng Cái làm ăn. Ngược lại, phía bên kia cửa khẩu Đông Hưng, thương nhân từ những tỉnh xa xôi của Trung Quốc như Chiết Giang, Thâm Quyến, Thượng Hải…cũng đổ dồn thị xã Đông Hưng (TQ) lập xưởng sản xuất, mở văn phòng giao dịch với thương nhân VN. Việc làm ăn đã thu hút đã thu hút những người buôn bán khắp mọi miền của Tổ quốc VN. Đứng bên cửa khẩu Ka Long, chúng tôi gặp nhiều anh em làm nghề tài xế đưa hàng thủy sản đông lạnh từ Sóc Trăng, Bạc Liêu ra Móng Cái để xuất khẩu sang TQ. Từ mạn Tây Bắc, chị Đinh Thị Thái, người Thái chủ hàng thảo quả tuyến Sơn La- Móng Cái cho hay, đầu năm mới, công ty của chị đã làm lễ “ khai hàng” từ mùng 5 Tết đưa hàng từ Sơn La về Móng Cái để xuất khẩu sang TQ.



Ông Lương Quang Sở, phó văn phòng UBND TP Móng Cái, trong khi trò chuyện, tỏ vẻ rất tự hào về một đô thị trẻ ( Móng Cái chính thức lên TP vào tháng 9-2008), từ một thị trấn nhỏ vùng biên ải xa xôi, chịu nhiều thăng trầm đến nay Móng Cái đã phát huy được nhiều tiềm năng để phát triển một nền kinh tế tổng hợp với mũi nhọn là thương mại, du lịch – dịch vụ: Móng Cái có cửa khẩu quốc tế Bắc Luân và một số cửa khẩu tiểu ngạch như: Vạn Gia, Ka Long, Lục Lầm; quốc lộ 18A nối liền với Hạ Long và cả nước; có cảng nước sâu quốc gia Vạn Gia cho tàu 1 vạn tấn và các cảng thuỷ nội địa: Dân Tiến, Thọ Xuân, Núi Đỏ…Bãi biển Trà Cổ trải dài 17km với phong cảnh tự nhiên vào loại đẹp nhất Việt Nam; mũi Sa Vĩ – điểm khởi đầu hình chữ S trên bản đồ Việt Nam từ lâu trở nên nổi tiếng và một số hồ nước có phong cảnh hữu tình như: Tràng Vinh, Đoan Tĩnh, Kim Tinh, mở ra nhiều triển vọng lớn để phát triển ngành du lịch. Toàn TP Móng Cái hiện nay có hơn 500 khách sạn và nhà nghỉ, trong đó có hai khách sạn năm sao đạt tiêu chuẩn quốc tế.


Trên đường phố Móng Cái hôm nay



Vùng kinh tế mở



“Từ một thị trấn nhỏ vùng biên ải, Móng Cái đã trở thành một TP hiện đại sau 30 năm. Mọi sự đổi thay đến không ngờ!”- Ông Hải nhìn nhận. Chứng kiến từ khi Móng Cái còn hoang vu ngày tiêu thổ cho chiến tranh biên giới phía Bắc đến ngày Móng Cái lên thành phố, ông Hải không khỏi ngỡ ngàng. Đường phố Móng Cái hôm nay đã tấp nập thương nhân Trung Hoa đi lại, nhiều cửa hiệu trên đường phố, khu chợ được kẻ vẽ bằng hai thứ tiếng Việt- Trung. Tại chợ trung tâm Móng Cái, chúng tôi gặp nhiều lang y Trung Quốc hàng ngày ngồi ở chợ Móng Cái bắt mạch, kê đơn cho người bệnh VN. Ông Ôn Nhật Mười, người Hoa, ngụ tại thị xã Đông Hưng, chủ cửa hiệu thuốc Bắc tại chợ trung tâm Móng Cái vui vẻ cho hay: “ Sáng nào, tôi cũng qua cửa khẩu sang Móng Cái làm ăn, chiều lại về”.



Thật khó tưởng tượng nổi ở một thành phố trẻ như Móng Cái mà có tận hơn 10 cái chợ và siêu thị lớn, đó là chưa kể tới nhà nào ở mặt đường cũng mở cửa hàng kinh doanh hoặc cho thuê khiến người nơi xa đến Móng Cái ngỡ rằng đây là một cái chợ đại khổng lồ!Ông Vương Quan Chung, thương nhân  người Hoa kinh doanh hàng vải vóc ở chợ trung tâm Móng Cái tỏ ra khá rành rọt những quy định buôn bán ở VN, ông cho hay, với chính sách ưu tiên cho khu kinh tế cửa khẩu, phát huy ưu thế đường biên giới với Trung Hoa 72km, chính sách của nhà nước VN có sức hấp dẫn với đông đảo giới kinh doanh của phía TQ, với quy định rõ ràng: các chủ đầu tư không phân biệt trong hay ngoài nước nếu đầu tư vào các lĩnh vực ngành, nghề ưu tiên theo quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của khu vực cửa khẩu Móng Cái được miễn giảm thuế lợi tức theo quy định hiện hành. Các chủ đầu tư nước ngoài nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với thuế xuất ở mức thấp nhất khung thuế.”



Ông Lương Quang Sở, phó chánh văn phòng UBND TP Móng Cái cho hay,sau khi cửa khẩu Móng Cái được công nhận năm 1994, hoạt động du lịch, giao lưu buôn bán phát triển sôi động với tốc độ tăng trưởng đến…chóng mặt. Nếu như năm 1995, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 164,86 triệu USD thì năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4.131,8 triệu USD gấp gần 30 lần! Cũng thật khó tưởng tượng nổi với TP có gần 10 vạn người mà có tới 5.125 hộ kinh doanh người VN và 1.125 hộ kinh doanh người TQ, tổng mức luân chuyển hàng hoá năm 2008 ước đạt tới gần 3000 tỷ đồng!. Đó là chưa kể đến 400 doanh nghiệp, 104 chi nhánh và văn phòng đại diện cùng 6.250 hộ kinh doanh cá thể khác với tổng mức luân chuyển hàng hoá ước đạt 2.560 tỷ đồng/ năm. Thanh toán biên mậu đạt 34.330 tỷ đồng, chuyển tiền đạt 145.763 tỷ đồng.


Lang y Trung Quốc bắt mạnh cho người bệnh VN ở chợ Móng Cái



Chị Nguyễn Thị Vân, giám đốc công ty cổ phần thương mại Đồng Tâm chuyên kinh doanh mặt hàng phân bón, hoá chất từ TQ về VN cho hay, có thể nói Móng Cái hôm nay là một vùng kinh tế mở thực sự, các thương nhân có tài, có lực thì đủ sức “dụng võ”. Chị Vân nói, với tinh thần hội nhập sâu, các thương nhân VN và TQ luôn ở thế “cạnh tranh lành mạnh”,  chữ “tín” luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, chị Vân cũng lo ngại về sự “ lấn chiếm” của hàng hoá TQ chiếm ưu thế khá cao so với hàng nội địa của VN. Các thương nhân VN ở Móng Cái còn nhớ lại cách đây hơn hai năm, có một vài doanh nghiệp của VN ra Móng Cái thuê đất làm nhà máy kính và nhà máy sản xuất bittất, sau khi sản xuất được vài tháng đã phải tuyên bố sập tiệm vì không thể cạnh tranh nổi với hàng TQ tràn sang. Theo các thương nhân VN ở Móng Cái, hàng hoá VN xuất sang TQ vẫn chủ yếu là hàng thô nông thổ sản mới qua sơ chế và cao su, quặng… là những thứ TQ thiếu thốn. Việc đưa hàng hoá VN đến cửa khẩu Móng Cái cũng không gặp thuận lợi so với TQ đưa hàng về  cửa khẩu Đông Hưng, bởi lẽ hàng hoá từ nội địa VN đi đến Móng Cái chỉ có con đường quốc lộ 18 độc đạo vốn còn nhỏ bé và xuống cấp, việc vận chuyển hàng hoá hiện nay chủ yếu bằng đường biển qua cửa khẩu Vạn Gia còn khá xa so với trung tâm Móng Cái.



Từ một thị trấn vùng biên ải chịu hậu quả khốc liệt của chiến tranh, Móng Cái hôm nay đã vươn mình thành một đô thị cửa khẩu sầm uất thu hút đông đảo khách du lịch, thương nhân các vùng miền đến quan hệ làm ăn, thăm thú đó là nhờ chính sách cởi mở, thân thiện và hoà hợp giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *