Ghi trong hợp đồng cách tính diện tích
Trao đổi với Báo Thanh Niên chiều qua 25.2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói, lẽ ra quy định này phải được ban hành từ lâu, bởi nếu có các quy định rõ ràng đã có thể tránh được những tranh chấp tại các chung cư trong thời gian qua (Báo Thanh Niên từng có loạt bài phản ánh).
Theo thông tư này, hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư (Bộ Xây dựng ban hành mẫu chuẩn) phải nêu đầy đủ phần diện tích thuộc sở hữu riêng của người mua, phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư (trong đó nêu cụ thể các phần sở hữu chung trong nhà chung cư quy định tại khoản 3 Điều 70 của Luật Nhà ở như hành lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, nơi để xe, các phần khác thuộc sở hữu chung). Trong trường hợp nhà chung cư có những công trình, diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc của chủ sở hữu khác cũng phải nêu rõ (ví dụ như bể bơi, sân tennis, siêu thị, nơi để xe phục vụ cho mục đích kinh doanh hoặc các phần diện tích khác).
Thông tư cũng quy định rõ, diện tích căn hộ chung cư (được ghi trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở) là diện tích sàn (bao gồm cả diện tích ban công, lô gia (nếu có). Trong đó, diện tích sàn được tính theo kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính theo kích thước tính từ tim tường chung và tim tường bao ngoài của căn hộ. Diện tích sàn căn hộ và cách tính diện tích này phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư.
Phí dịch vụ do UBND tỉnh ban hành
Thông tư dành một điều hướng dẫn về phí bảo trì, vận hành nhà chung cư. Trong đó nêu rõ: “Hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư phải ghi rõ giá bán căn hộ nhà chung cư đã bao gồm cả kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư (2% tiền bán căn hộ). Trong trường hợp kinh phí thu được để bảo trì không đủ thì huy động từ đóng góp của các chủ sở hữu tương ứng với phần diện tích sở hữu riêng của từng chủ sở hữu”.
Hợp đồng mua bán nhà chung cư cũng cần ghi rõ dự kiến về mức phí phải đóng góp cho việc quản lý vận hành nhà chung cư. Nhưng hướng dẫn quan trọng nhất trong điều khoản này có lẽ là quy định UBND tỉnh, thành phố sẽ ban hành mức trần kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư áp dụng trên địa bàn mình. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói rằng, UBND tỉnh, thành phố sẽ chỉ quy định mức “trần” còn mức phí cụ thể sẽ do chủ đầu tư xây dựng thỏa thuận với người mua chung cư khi đàm phán, ký kết hợp đồng. Mặc dù thừa nhận, hiện nay chưa có tỉnh, thành phố nào ban hành được mức phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư thực hiện thống nhất trên địa bàn nhưng Thứ trưởng Nam nói rằng, Bộ Xây dựng sẽ đốc thúc các địa phương sớm ban hành để khắc phục tình trạng các mức phí được đưa ra mỗi nơi một khác, gây bức xúc trong dư luận cũng như xảy ra những tranh chấp phức tạp. Ông Nam nói rằng, mức “trần” do UBND tỉnh, thành phố ban hành cũng có thể được thay đổi hằng năm tùy vào mức độ trượt giá, tăng lương, tăng giá điện…
An Nguyên