– Dư luận gần đây lo lắng hồ Giảng Võ – khoảng không quí giá còn sót lại giữa một khu toàn khách sạn, chung cư, tập thể của Hà Nội có thể sắp bị “che kín” thêm bởi một “bức tường thành” lừng lững 22 tầng (cao hơn 5 tầng so với chỉ tiêu qui hoạch – kiến trúc đã được phê duyệt) và dài gần 100m… Theo phản ánh của dân khu vực, kể từ cuối năm 2008 khi được UBND TP giao nhiệm vụ, đúng ra Công ty TNHHNN một thành viên Đầu tư xây lắp và thương mại 36 đã phải tổ chức di dời, phá dỡ nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ trong tháng 1/2009 để xây dựng lại – tuy nhiên đến nay tháng 2/2009 đã trôi qua, công trình nguy hiểm này vẫn không hề suy suyển.
Trong khi đó, Công ty 36 (kể trên) lại đề nghị Sở Qui hoạch – Kiến trúc Hà Nội đồng ý “nâng” thêm 5 tầng nữa cho thiết kế khu nhà này và các chỉ tiêu qui hoạch – kiến trúc đã được phê duyệt. Cụ thể: Công ty 36 muốn công trình sau cải tạo có chiều cao 22 tầng, mật độ xây dựng 57%, tổng diện tích sàn xây dựng 37.400m2, hệ số sử dụng đất 12,45 lần! Trước đó, năm 2005, xem xét một phương án thiết kế sơ bộ cho chính dự án này, với đề xuất chiều cao cho 3 khối nhà chỉ từ 14-18 tầng, Sở QH-KT Hà Nội khi ấy đã “thẳng tay” bác ngay, trả lời rằng “không phù hợp các chỉ tiêu về qui hoạch kiến trúc tại bản vẽ Qui hoạch tổng mặt bằng đã được Sở QH-KT Hà Nội chấp thuận, cần điều chỉnh để tuân thủ qui hoạch, hạn chế gây áp lực về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực, phù hợp không gian cảnh quan khu vực phố Nam Cao và hồ Giảng Võ“. Cuối cùng, thiết kế cho tòa B6 tương lai chỉ được Sở đồng ý cao nhất 17 tầng (kể cả tầng mái). Chưa yên tâm, Sở này sau đó còn “đệ trình” lên Bộ Xây dựng và Bộ cũng chấp thuận cao nhất chỉ 17 tầng như vậy, không hơn!
Tuy nhiên, tiếp nhận dự án B6 Giảng Võ vào cuối 2008 vừa qua, việc quan trọng, cấp bách nhất (nếu theo đúng Luật Xây dựng, Luật Nhà ở) là di dân khỏi nhà nguy hiểm đã không được Công ty 36 thực hiện, mà công ty này lại vẫn “loay hoay” với thiết kế, xin cao thêm 5 tầng nữa (như đã nói ở trên). Theo Công ty 36, TP chưa phê duyệt tổng mặt bằng nên công ty chưa triển khai được thiết kế cơ sở để xin ý kiến các hộ dân, mà chưa có thiết kế được TP duyệt thì các hộ dân chưa bàn giao nhà cho Công ty 36! Điều này có thể hiểu: tiến độ “cứu nguy” dân nhà nguy hiểm phụ thuộc vào… phê duyệt thiết kế của UBND TP?! Để dứt điểm việc này, Sở QH-KT Hà Nội vừa cho biết quan điểm không chấp thuận đối với đề xuất “nâng” cao thêm tầng, tăng thêm cả mật độ, diện tích sàn xây dựng và hệ số sử dụng đất của Công ty 36. Sở này cho rằng, Công ty 36 cần nghiên cứu xây nhà B6 Giảng Võ theo yêu cầu công trình chỉ cao 17 tầng (như Sở QH-KT đã chấp thuận tại văn bản số 22/QHKT-P2 ngày 9/1/2006 và Bộ Xây dựng thống nhất tại văn bản số 1700/BXD-KTQH ngày 21/8/), cách chỉ giới đường đỏ phố Nam Cao 6m, cách ranh giới phía Tây 10,7m; mật độ xây dựng 50%… Xung quanh hồ Giảng Võ lúc này đã quá đủ các “rào chắn”, như: khách sạn Hà Nội, Ngân hàng Habubank… quan điểm của TP Hà Nội là qui hoạch tổng thể toàn khu này một cách hoàn chỉnh, chỉ vì tính cấp bách mà các dự án nhà nguy hiểm được tách riêng nhưng vẫn phải tuân thủ triệt để chỉ tiêu qui hoạch – kiến trúc toàn khu, nhất là các tòa nhà có thể đóng góp vào cảnh quan kiến trúc mặt đường và hồ Giảng Võ. Như vậy, câu hỏi dư luận đặt ra: “Thời gian tới liệu hồ Giảng Võ có thêm một rào chắn khổng lồ?” đã có thể yên tâm với câu trả lời: Không! Riêng với khu B6 Giảng Võ, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra thêm văn bản yêu cầu Công ty 36 nghiêm túc chấp hành việc di dân trong tháng 2/2009. Tuy nhiên, tháng 2/2009 cũng đã qua – UBND TP Hà Nội khẳng định tiến độ xử lý nhà nguy hiểm của doanh nghiệp này “chậm, không đúng cam kết với TP“.
|
Hà Nội: Hồ Giảng Võ vừa thoát một “bức tường thành”!
5
Bài trước