Phương án thiết kế nhà ga T2 Nội Bài bị “chê”!





 – Chỉ có 2 phiếu hoàn toàn tán thành trong tổng số 22 phiếu góp ý cho Phương án thiết kế kiến trúc Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (phương án 1 của chủ đầu tư Nhật Bản)…









Liệu có thành công với ý đồ đưa kiểu dáng Chùa Một Cột vào thiết kế một nhà ga quốc tế?


12 phiếu cho ý kiến không tán thành và 8 phiếu còn lại tỏ ra tán thành nhưng nhận xét rằng phương án thiết kế kiến trúc nhà ga còn cần phải điều chỉnh.


Các lá phiếu nhận xét của nhiều chuyên gia thuộc Hội Kiến trúc sư VN, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, Hội Qui hoạch phát triển đô thị VN, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiến trúc Qui hoạch đô thị – nông thôn, Trường ĐH Kiến trúc HN, Tổng Cty tư vấn xây dựng VN, Sở Qui hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng như Bộ GTVT… vừa được Bộ Xây dựng tổng hợp và gửi Thủ tướng Chính phủ.


Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, tư vấn đã rất cố gắng nghiên cứu thực tế để đề xuất phương án kiến trúc đáp ứng các yêu cầu, chức năng sử dụng của Nhà ga T2 không chỉ hiện tại mà nhìn xa hơn trong tương lai, với 5 hình thức kiến trúc mái khác nhau trong cùng mặt bằng kiến trúc nhà ga. Tuy nhiên, đa số chuyên gia nhận định phương án qui hoạch cũng như kiến trúc công trình còn nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu một nhà ga quốc tế của Thủ đô quốc gia hơn 100 triệu dân trong tương lai.


Cụ thể, về qui hoạch, thiết kế chưa thể hiện được mối liên hệ, gắn kết các loại hình giao thông trong qui hoạch Cụm Cảng hàng không, sân bay này với Hà Nội mở rộng và Vùng Thủ đô, thiếu nghiên cứu tổng thể cho sự phát triển lâu dài của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo từng giai đoạn nếu tương lai có thêm các nhà ga T3, T4… (sẽ gò bó khi mở rộng thêm nhà ga T3, T4 vì hệ thống các công trình trong phương án này được bố trí song song).








TIN LIÊN QUAN


  • Nội thất ga T2 Nội Bài mang dáng dấp Chùa Một Cột?
  • Nội Bài sẽ có thêm nhà ga hành khách vào năm 2010
Về kiến trúc, phương án đưa ra chưa thể hiện được tính hiện đại, biểu tượng văn hóa đặc trưng đối với một công trình kiến trúc lẽ ra cần có ý nghĩa biểu cảm rất cao vì là cửa ngõ quan trọng của quốc gia. Nhiều nhà chuyên môn cho hay hình thức kiến trúc còn đơn điệu với thiết kế mang tính công nghiệp điển hình, không tạo được đặc trưng (kiến trúc này có thể được xây dựng ở bất cứ đâu chứ không riêng cho Nội Bài, Hà Nội).


Ngoài ra, các chuyên gia còn “chê” bố cục mặt bằng với các công trình thẳng và dài thiếu cảm xúc về mọi hướng, thiếu nhịp điệu cần có đối với một tòa nhà khá lớn. Công trình được thiết kế theo dạng tuyến tính, dài “quá khổ” sẽ khó khăn cho tổ chức không gian quản lý điều hành trung tâm, cũng như giao thông bên trong công trình khi tương lai phát triển mở rộng…



Do vậy, thay mặt các thành viên cuộc họp đánh giá phương án, Bộ Xây dựng vừa đề nghị Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo nhà tư vấn Nhật Bản chỉnh sửa, nâng cấp phương án qui hoạch – kiến trúc của Nhà ga T2 Nội Bài trên cơ sở các ý kiến góp ý của nhóm chuyên gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


Được biết, ban đầu, đơn vị tư vấn đã được Bộ GTVT yêu cầu đưa kiểu dáng Chùa Một Cột vào thiết kế nội thất của nhà ga và nghiên cứu hình dáng cột kèo truyền thống Việt Nam cho một số chi tiết…


2009 vẫn “loay hoay” với thiết kế, liệu 2010 nhà ga quốc tế tương lai sẽ đưa đón 15 triệu hành khách/năm này có kịp chào mừng Đại lễ nghìn năm như đã định?




  • Hoàng Huy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *