Theo Giáo sư -Tiến sĩ Trần An Phong, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở tỉnh Đắc Lắc do công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước ngầm chưa đi vào nề nếp, thậm chí có lúc còn buông lỏng, làm cho việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức, suy giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, Đắc Lắc sử dụng trên 1.037 triệu mét khối nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp (kể cả nước mặt và nước ngầm), trong đó có trên 553 công trình thuỷ lợi, với dung tích trữ lượng trên 421,17 triệu mét khối và chỉ mới đảm bảo tưới cho 17.863 ha lúa nước vụ đông xuân, 40.608 ha cây cà phê. Như vậy, hàng trăm ngàn ha cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cây cà phê và cây hàng năm khác còn lại đều phải do các công trình khai thác từ nguồn nước ngầm để tưới. Chỉ riêng trên 141.400 ha cà phê, với mức tưới trung bình từ 2.000 đến 2.500 mét khối/ ha/ vụ thì lượng nước ngầm phục vụ tưới cho cà phê trong những tháng mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4) đã lên đến hàng trăm triệu mét khối nước. Theo điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc hiện có trên 2.500 giếng khoan, hàng ngàn giếng đào, vào những tháng mùa khô này khai thác sử dụng nước ngầm cho các mục đích lên đến 1, 528 triệu mét khối/ ngày, trong đó, sử dụng tưới cho cây cà phê chiếm từ 90 đến 96% tổng khối lượng nước ngầm khai thác. Nghiêm trọng hơn, trên các nương rẫy cà phê ở xa các hồ, đập, sông, suối, các hộ gia đình tự thuê người khoan, đào giếng để lấy nước tưới cho cà phê. Mặt khác, sự suy giảm tài nguyên nước ngầm còn do độ che phủ của rừng ngày càng giảm (năm 2008 mới nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng lên 48%), đồng thời, lại gia tăng việc khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt ở các khu vực đô thị. Tại thành phố Buôn Ma Thuột đang khai thác nước ngầm, với công suất gần 50.000 mét khối/ ngày, thị trấn Krông Pắk, Krông Búk khai thác từ 2.000 đến 2.500 mét khối/ ngày….Do khai thác quá mức, tầng nước ngầm ngày càng sâu. Cụ thể, ngay tại địa bàn huyện Krông Búk, Cư M’Gar trước đây chỉ cần đào sâu xuống gần 10 đến 13 mét là gặp nước nhưng nay phải lên đến 15 mét, có nơi xuống đến 24 mét mới gặp nước. Cũng theo GS-TS Trần An Phong, để phát triển bền vững tài nguyên nước ( nước mặt cũng như nước ngầm), tỉnh Đắc Lắc cần sớm quy hoạch tài nguyên nước phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội trong từng vùng của địa phương, đồng thời, phải có xây dựng quy hoạch toàn diện theo lưu vực, quản lý theo từng vùng thì mới tạo cơ sở phát triển bền vững cho nông nghiệp nói chung, cây cà phê nói riêng. Tỉnh tăng cường đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn cho các công trình thuỷ lợi hiện có, đặc biệt chú ý các công trình hồ chứa, đồng thời đầu tư xây dựng mới thêm các công trình thuỷ lợi có quy mô lớn như Krông Búk thượng, Krông Búk hạ, Krông Pắk, kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi. Tỉnh sớm có các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước ngầm, tạo nguồn cho nước ngầm như ngăn chặn tình trạng phá rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi trọc bằng trồng rừng, tái sinh rừng, sử dụng khai thác hợp lý hơn tài nguyên nước ngầm…/. |