Đồng Nai vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn xã Hàng Gòn, thị Xã Long Khánh, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, đồng thời tạo quỹ đất ở, đất sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, trong khu vực quy hoạch lại tồn tại công trình di tích Quốc gia – Mộ cự thạch Hàng Gòn. Do đó, vấn đề được đặt ra là làm sao việc quy hoạch điểm dân cư trên phải gắn với quy hoạch chung, bảo tồn bền vững khu di tích Hàng Gòn. Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Minh Đức (Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng) tại một cuộc hội thảo, bàn biện pháp bảo vệ công trình quần thể mộ cự thạch Hàng Gòn, cho thấy các tảng đá cấu thành mộ cự thạch Hàng Gòn thuộc loại cứng và bền, tuy nhiên bên trong vẫn tiềm ẩn sự suy thoái do những thành phần không bền dưới tác động của môi trường. Thêm vào đó, môi trường nơi địa điểm khu di tích hiện nay càng trở nên nguy hiểm đối với vật liệu mộ cự thạch (do dân số tăng lên, không khí, đất và nước bị ô nhiễm phế thải công nghiệp nhiều hơn), do đó cần có những biện pháp hữu hiệu để bảo tồn công trình di tích này. Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn xã Hàng Gòn, nơi đây sẽ được xây dựng thành bốn điểm dân cư, cùng với việc phát triển hạ tầng nông thôn với các khu chức năng và các công trình công cộng. Ngoài ra với quy mô dân số hiện nay ở xã Hàng Gòn khoảng 11.500 người và đến năm 2015, số dân sẽ phát triển thêm lên 12.500 người. Với việc tăng dân số cơ học, cùng với xây dựng các công trình công cộng, tất yếu sẽ nảy sinh các vấn đề như, ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác, sẽ gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích và tính bền vững của công trình mộ cự thạch. Theo khảo sát, địa hình nơi khu vực mộ là đồi thoải cao từ hai phía và thoải dần về khu mộ chính. Do đó, nước từ khu dân sinh sẽ đổ về khu mộ nếu không có hệ thống thu chặn nước. Ngoài ra, phần đáy mộ nằm ở vị trí thấp so với hầu hết các khu vực dân cư gần đó, vì vậy việc thoát nước chỉ là thẩm thấu qua đất tự nhiên. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, vấn đề môi trường tại khu vực di tích cần được đặc biệt chú trọng. Với việc phát triển các khu công nghiệp và khu dân sinh gần di tích, sẽ tạo nhiều bất lợi cho việc bảo tồn chất liệu đá của mộ. Các thí nghiệm cho thấy, không khí và nước tại khu di tích Hàng Gòn đang bị ô nhiễm nặng, các chất như SO3, HCL… có tác động ăn mòn đá và làm tăng nguy cơ hủy hoại loại đá ở mộ. Bên cạnh, khuôn viên cảnh quan khu di tích cũng chưa phù hợp, nhiều công trình dân sinh và đường giao thông công cộng cũng tác động không nhỏ đến di tích. Với những phân tích, nhận định trên, thiết nghĩ tỉnh Đồng Nai cần có những phương án hợp lý, phải gắn việc quy hoạch phát triển khu dân cư Hàng Gòn với bảo tồn công trình di tích mộ cự thạch nơi đây; đừng vì đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn mà làm ảnh hưởng đến quần thể di tích mộ cự thạch độc nhất vô nhị ở Việt Nam này. Di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn đã được phát hiện và khai quật từ năm 1927. Đến năm 1984, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Mộ Cự thạch Hàng Gòn là di tích Quốc gia, 1 trong 10 di tích quan trọng ở Nam bộ. Các nhà khoa học đánh giá, đây là di tích độc đáo cả về nghệ thuật và kỹ thuật của các tộc người cổ Nam Á nói chung và người Việt cổ nói riêng./. |
Đồng Nai: Quy hoạch điểm dân cư, cần gắn với bảo tồn di tích quốc gia – Mộ cự thạch Hàng Gòn
5