Đồng bằng sông Cửu Long: Nước mặn xâm nhập sâu 70km





Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (KHTLMN), hiện nước mặn từ 6 cửa sông thuộc hệ thống sông Mê kông đã xâm nhập vào nội địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 70 km. Tại Long An, nước mặn từ sông Cửa Tiểu đã vào đến xã Thủy Tây (huyện Thạnh Hóa); tại Bến Tre, nước mặn từ sông Cửa Đại đã vào đến xã Phú Túc (huyện Châu Thành); tại Trà Vinh, nước mặn từ sông Hàm Luông đã vào đến xã Long Thới (huyện Tiểu cần); tại Hậu Giang, nước mặn từ sông Trần Đề đã vào đến xã Phú Hữu; tại Vĩnh Long, nước mặn từ sông Định An, Cung Hầu đã vào đến xã Quới An (huyện Vũng Liêm) và thị trấn huyện Trà Ôn. Trên địa bàn Cà Mau, nước mặn từ sông Ông Đốc đã xâm nhập sâu 65km. Nước mặn từ sông Cái Lớn cũng xâm nhập sâu 65 km đến thị xã Vị Thanh (Hậu Giang).

Trước đó, nước mặn từ 6 cửa sông nói trên và cửa Cổ Chiên (thuộc hệ thống sông Mê kông); từ cửa sông Ông Đốc, Cái Lớn đã xâm nhập sâu từ 10 – 60 km đến địa bàn 53 xã thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang. Hiện một số địa phuơng trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt.

Theo Viện KHTLMN, tác động của biến đổi khí hậu tòan cầu sẽ làm quá trình xâm nhập mặn vào nội địa ĐBSCL sẽ sâu hơn, không loại trừ địa phương nào và nước ngọt sẽ khan hiếm hơn. Vì vậy, các tỉnh ĐBSCL cần lựa chọn giải pháp tối ưu để ứng ứng phó. Việc qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội phải gắn với ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, giao thông, công nghiệp, đô thị; phải phân lại vùng thuỷ văn – thuỷ lực nhằm duy trì sản xuất, đời sống bền vững; nghiên cứu, sản xuất, nhân rộng các giống cây con chịu mặn; tăng cường truyền thông và nâng cao năng lực quản lý môi trường…/.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *