Quản lý dự án đầu tư – búc xúc từ thực tiễn (Bài 2)








Bài 2: Xác định sự cần thiết phải đầu tư: Chủ quan, duy ý chí



>>Bài 1: Rắc rối từ khái niệm

Tầm quan trọng đặc biệt của đầu tư không chỉ do tác động tới sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà còn liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng vốn và hiệu quả của vốn đầu tư. Khi đã bỏ vốn bằng tiền cho đầu tư, chủ đầu tư không bao giờ thu hồi lại một cách trực tiếp, bằng tiền nếu dự án đầu tư đó không đúng, không mang lại hiệu quả. Đó là rủi ro rất lớn và thường xảy ra với các dự án đầu tư. Chính vì vậy, vì sao phải đầu tư vào một dự án nào đó là câu hỏi có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả của một dự án đầu tư.




Sân gôn Ngôi sao Chí Linh, Hải Dương (ảnh Thùy Anh).


Để giải đáp câu hỏi này, theo quy định của các nước phát triển và ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta, trong quy trình thực hiện một dự án đầu tư, bước khởi đầu không thể bỏ qua là lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo về cơ hội đầu tư. Báo cáo này phải trả lời với những luận cứ khoa học, khách quan câu hỏi: Vì sao phải đầu tư vào dự án đó? Những vấn đề mang tính nguyên tắc cần được giải đáp khi xác định sự cần thiết  phải đầu tư bao gồm:



– Xác định nhu cầu thị trường về sản phẩm/dịch vụ, trong đó quan trọng nhất là điều tra, khảo sát các dữ liệu dự báo nhu cầu; thiết lập mô hình dự báo và xác định phương thức đầu tư: Mở rộng, cải tạo hay xây dựng mới.



– Xác định quy mô của dự án, trong đó những nội dung quan trọng nhất là xác định công suất sản xuất, năng lực phục vụ; diện tích chiếm đất (KCN, KĐT…); phạm vi của dự án (các khu vực ảnh hưởng của dự án)…



– Lựa chọn quy mô và phân kỳ đầu tư, trong đó những nội dung không thể thiếu là quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật từng giai đoạn đầu tư và dự kiến thời hạn thực hiện từng giai đoạn đầu tư…



Nguyên tắc đặc biệt quan trọng của báo cáo về sự cần thiết phải đầu tư là nó phải được xây dựng một cách khách quan, trung thực và dựa trên những căn cứ khoa học. Vì vậy, có thể xảy ra trường hợp, trong chương trình, kế hoạch về đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã có việc thực hiện một dự án đầu tư nào đó, ở một địa điểm cụ thể nào đó, song báo cáo về sự cần thiết phải đầu tư lại kết luận: Không cần thiết phải đầu tư cho dự án đó. Đó là ý kiến phản biện rất quan trọng. Nhà quản lý công tâm, khách quan, vì sự phát triển của đất nước, cần lắng nghe những ý kiến phản biện như vậy và có thể dừng việc thực hiện dự án đầu tư theo kế hoạch.



Nguyên tắc là như vậy và không ai phản đối những nguyên tắc cơ bản đó. Song, trong việc thực hiện các dự án đầu tư ở nước ta những năm vừa qua, không ít trường hợp, người ta đã làm ngược lại. Khi một quan chức hoặc tổ chức có quyền lực đã cho rằng phải đầu tư thực hiện dự án A, dự án B ở vùng này hoặc vùng kia, cả một bộ máy dưới quyền trong hệ thống hành chính phải ra sức chứng minh cho bằng được rằng, nhất thiết phải đầu tư cho dự án (hoặc những dự án) ấy. Các báo cáo về cơ hội đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi được lập rất đầy đủ và bài bản. Lập luận của những báo cáo này cũng “đầy sức thuyết phục”. Chỉ có điều, những dữ liệu được sử dụng trong các báo cáo đó lại không ai kiểm định. Chẳng hạn, để thuyết minh cho sự cần thiết phải xây dựng một nhà máy bia, trong báo cáo về cơ hội đầu tư, người ta đã đưa ra thông tin: ở các nước phát triển, mức tiêu thụ bia là 100 lít/người dân. Để đạt được chỉ tiêu đó, với hơn 80 triệu dân Việt Nam, chỉ trong vài năm tới, chúng ta cần một lượng bia khổng lồ để cung ứng cho thị trường. Cho nên, xây dựng thêm một hay nhiều nhà máy bia nữa là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tương tự như vậy, người ta cũng thuyết minh “đầy sức thuyết phục” và quyết định xây dựng hàng loạt cảng biển quy mô nhỏ, hàng loạt nhà máy xi măng lò đứng, nhà máy cán thép mini, hàng loạt sân golf, hàng loạt KCN, cụm công nghiệp ở khắp các địa phương trong cả nước… Hậu quả là, cảng biển xây xong không có tàu nào vào cập cảng, sân golf, KCN, cụm công nghiệp xây dựng xong… cả một bộ máy hành chính “ngồi chờ” mà khách chơi golf và các nhà đầu tư thứ cấp vẫn… “bặt vô âm tín”. Hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đã được ném vào các dự án đầu tư ấy. Đó là sự lãng phí vô cùng lớn, dù đó là tiền của ngân sách Nhà nước hay của các nhà đầu tư tư nhân.



Đó chính là đầu tư theo phong trào, đầu tư theo những mệnh lệnh chủ quan, duy ý chí – căn bệnh kinh niên của nền kinh tế nước ta. Hậu quả rất rõ ràng và không ai phủ nhận được là hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí và những kẽ hở cho tham nhũng từ nguồn vốn đầu tư đã và đang là “chuyện thường ngày”.



Suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta. Để ngăn chặn một phần hậu quả của suy thoái kinh tế, các quốc gia trên thế giới đã và đang phải “tái cấu trúc” cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân. Việt Nam không thể là ngoại lệ. Vì vậy, trong rất nhiều nội dung của việc “tái cấu trúc” cơ chế quản lý, nội dung rất cần được nghiên cứu và đưa ra những giải pháp hữu hiệu là tái cấu trúc danh mục đầu tư, đặc biệt quan trọng là việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước.



(Kỳ sau: Lựa chọn vị trí đặt dự án: Một vòng tròn luẩn quẩn).







Luật gia Vũ Xuân Tiền
Tổng giám đốc Cty CP Tư vấn quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *