Khắc phục vết nứt bê tông bản mặt hồ chứa nước Cửa Đạt







Sau khi kiểm tra tại hiện trường đập chính công trình Hồ chứa nước Cửa Đạt, ngày 18/3, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng) đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về nguyên nhân và kiến nghị giải pháp khắc phục.



Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – Phó chủ tịch Hội đồng, nguyên nhân chủ yếu gây nên chuyển dịch, cong vênh và nứt nẻ lớn của BTBM là do áp lực cột nước trong thân đập lớn hơn áp lực do trọng lượng bản thân tấm BTBM đè xuống theo phương thẳng đứng. Những vấn đề xảy ra như trên cho thấy biện pháp và quy trình thi công chưa hợp lý và chưa được kiểm soát tốt.




Mô hình hồ chứa nước Cửa Đạt – Ảnh: Đoàn Thanh




Theo đó, để lập hồ sơ sự cố, chủ đầu tư phải khảo sát, đánh giá hiện trạng của các tấm BTBM bị chuyển vị và các vị trí vật chắn nước bị hỏng, trong đó cần vẽ sơ đồ và mô tả đặc điểm nứt của từng tấm BTBM; đánh giá diễn biến, nguyên nhân của hiện tượng chuyển vị gây nứt bê tông; rà soát, đánh giá chất lượng lớp đệm IIA và khớp nối chu vi khu vực các tấm BTBM bị chuyển vị. Đối với những khu vực BTBM nứt nhiều và vị trí khớp nối dọc đã bị phá huỷ phải dỡ bỏ làm lại nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình.



Trong quá trình sửa chữa khắc phục cần có giải pháp hạ mực nước trong thân đập để giảm tối đa áp lực đẩy nổi. Cần thiết thì đắp đất gia tải thêm ở phía thượng lưu, đảm bảo cân bằng áp lực trong và ngoài tấm BTBM, tránh xảy ra những hiện tượng tương tự. Thường xuyên kiểm tra, quan trắc mực nước ở trong thân đập để kịp thời điều chỉnh tăng cường biện pháp xử lý hạ mực nước và cân bằng áp lực trong và ngoài đập.



Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải kiểm tra, rà soát lại thiết kế, quy trình, biện pháp thi công của nhà thầu. Trong quá trình thực hiện, Hội đồng sẽ cử các chuyên gia phối hợp với chủ đầu tư và các bên có liên quan trong quá trình tổ chức xử lý để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *