– Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói sẽ xem xét việc trợ giá cho loại xe buýt mới B40 nhằm góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng. Trong cuộc họp về mẫu xe buýt nội thành mới B40 do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) sản xuất, ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng sẽ xem xét trợ giá mức tối đa cho loại xe buýt mới này đi vào hoạt động. UBND thành phố sẽ có một chính sách kích cầu cụ thể đối với các HTX đưa loại xe buýt này vào khai thác vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, thành phố có thể cân nhắc trích một phần trong gói kích cầu 17.000 tỷ đồng để hỗ trợ một phần các loại máy móc sản xuất loại xe buýt này, ông Tín cho biết thêm. “Tăng tỉ lệ người dân đi xe buýt nhằm góp phần giải quyết nạn kẹt xe đang là vấn đề đau đầu của thành phố, do đó UBND thành phố sẽ tạo điều kiện để loại xe buýt B40 được sử dụng rộng rãi trong nội thành nói riêng và các tỉnh nói chung.”
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Mai, Trường ĐH GTVT TP.HCM, thành phố hiện chỉ có khoảng 14% các tuyến đường rộng từ 12m trở lên để vận chuyển hành khách bằng xe buýt lớn và 51% số đường rộng từ 7m-12m, phù hợp lưu thông xe buýt nhỏ và xe con. Dân số thành phố hiện nay hơn 6 triệu người và khoảng 1,5 triệu dân vãng lai từ các tỉnh nhưng diện tích của tất cả các con đường chỉ xấp xỉ 21 triệu m2. Tuy nhiên loại xe buýt hiện nay đang sử dụng chủ yếu là xe buýt lớn B80 chưa thích hợp với cấu trúc đường trong nội thành. Loại xe buýt B40 ra đời đáp ứng yêu cầu đầu tiên là nhỏ, gọn với chiều dài 7,3m và chiều rộng 2,2m, suất tiêu hao nhiêu liệu khoảng 2 lít/100km. Kích thước xe không lớn nhưng được thiết kế 2 cửa phù hợp cho vận tải hành khách công cộng, chuyên chở được khoảng 40 người (18 chỗ ngồi, 22 chỗ đứng). “Xe buýt B40 sẽ sử dụng ở những con đường nhỏ, hẹp có ít hành khách đi lại đồng thời thay thế dần xe buýt loại nhỏ 12 chỗ ngồi đã được UBND thành phố ra quyết định ngưng hoạt động” – Thạc sỹ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Vận tải công nghiệp, Sở GTVT TP.HCM cho biết.
|