Khách hàng và chủ đầu tư vẫn chưa có tiếng nói chung











Văn Khê không phải trường hợp duy nhất tăng giá bán so với hợp đồng ban đầu. Ảnh: Thùy Dung

Kết thúc cuộc họp giữa chủ đầu tư và khách hàng mua chung cư CT1 Văn Khê – Hà Nội chiều 3/4, hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất về việc giá nhà tăng thêm 30%. Phía khách hàng đang tính tới phương án kiện chủ đầu tư ra tòa.


Trong buổi thương thảo, khách hàng đã tập hợp hơn 70 câu hỏi về vấn đề pháp lý của hợp đồng, thời gian góp vốn, huy động vốn… để đối đáp với chủ đầu tư. Khi được chất vấn về việc chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng trước khi xây xong móng, ông Tạ Văn Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 – chủ đầu tư Văn Khê thừa nhận đã lách luật, cả người bán và người mua đều có lỗi. Bởi vậy, vấn đề trước mắt là cả hai bên phải bình tĩnh ngồi đàm phán để tháo gỡ vấn đề.


Phía Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 giải trình 4 lý do tăng giá bán từ 6,5 triệu đồng mỗi m2 sàn lên 8,78 triệu đồng (tăng 34% so với thời điểm góp vốn ban đầu) gồm kinh phí bảo trì (159.600 đồng mỗi m2); chuyển giao diện tích chung (649.693 đồng mỗi m2); thay đổi bổ sung thiết kế (530.050 đồng mỗi m2), giá vật liệu, nhân công, máy xây dựng (1.048.257đồng mỗi m2). Tổng số tiền tăng là 2.387.600 đồng mỗi m2 sàn.


Tuy nhiên, phía khách hàng không chấp nhận lời giải thích trên. Các biểu ngữ “lừa đảo”, “sai bét”, “phản đối”, “vô lý” đồng loạt giương cao mỗi khi công ty không đưa ra được lý do thuyết phục. Họ cho rằng, hai nguyên nhân tăng giá do kinh phí bảo trì và chuyển giao diện tích chung riêng chưa thỏa đáng vì trước khi thiết kế, công ty đã phải tính toán. “2% phí bảo trì có quy định từ năm 2006, hợp đồng ký vào năm 2007. Tính toán chưa kỹ thì phía công ty phải chịu, không thể đổ lỗi cho khách hàng”, ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện khách hàng bức xúc.


Nguyên nhân thay đổi bổ sung thiết kế (lát trần thạch cao và lắp vách kính cầu thang…) cũng phức tạp. Chủ đầu tư và khách hàng thống nhất chỉ những ai có nhu cầu lát trần thạch cao mới phải đóng phí, còn lại vẫn giữ nguyên theo thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, về vách kính chung của tòa nhà, phía Sông Đà 1.01 yêu cầu tất cả người dân mua chung cư đều phải lắp.


“Chúng tôi chỉ chấp nhận ai không có nhu cầu lát trần thạch cao thì không phải đóng phí. Nhưng còn việc lắp kính cầu thang là bắt buộc, khách hàng phải tuân theo vì ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của nhà đầu tư”, ông Trung nói.


Sau khi hội ý riêng, chủ đầu tư kết luận khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn không điều chỉnh giá, chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng theo thiết kế cũ và chia sẻ 40% phần chênh lệch giá với người mua. Với hợp đồng có điều chỉnh giá, công ty sẽ chịu 30%, khách hàng chịu 70%. Mức giá trên đã bao gồm VAT. “Như vậy là chúng tôi đã rất có thiện chí để tháo gỡ khó khăn với khách hàng trong thời kỳ khủng hoảng”, ông Trung chia sẻ.


Tuy nhiên, phía khách hàng không chấp nhận ý kiến này vì cho rằng, mức điều chỉnh giá trên quá thấp. Người mua đưa ra lý do, giá này vẫn còn “trên trời” vì ngoài giá điều chỉnh họ đã mất một khoản lớn khi mua bán trao tay. Chị Lê Thị Diệp, cho biết, chị mua lại căn hộ và mất 200 triệu đồng phí chênh lệch. “Chủ đầu tư chia sẻ 30% rủi ro nghĩa là căn hộ của tôi rộng hơn 130 m2 phải mất tới gần 200 triệu đồng”. Chị lắc đầu ngao ngán khi nhẩm tính sơ sơ chị đã mất khoảng 400 triệu cho căn hộ của mình. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp song cũng vừa phải thôi. Vài chục triệu còn chấp nhận được chứ mấy trăm triệu thì lấy đâu ra”, chị Diệp ngao ngán.


Sau gần 5 tiếng bàn bạc, thảo luận, tranh cãi, cả khách hàng và chủ đầu tư vẫn chưa đi đến tiếng nói chung. Ông Trần Anh Huy, ban đại diện khách hàng, đề nghị, Công ty sông Đà phải mời cơ quan Nhà nước như Cục quản lý Nhà, thanh tra Bộ Xây dựng… vào cuộc để minh bạch hóa số liệu. “Trong trường hợp phía Công ty Sông Đà 1.01 không chấp thuận, chúng tôi sẽ kiện họ ra tòa”, ông Huy cho hay.


Phía chủ đầu tư cho hay, tính tổng 217 căn hộ, công ty mới chỉ thu 90 tỷ đồng trong số 280 tỷ. Bởi vậy, nếu khách hàng không chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì chủ đầu tư rất khó đứng vững. “Sau buổi thương thảo không thành công này, công ty sẽ thuê đơn vị thứ 3 thẩm định để minh bạch hóa mọi số liệu và làm cơ sở điều chỉnh giá bán căn hộ phù hợp nhất. Trong trường hợp không tìm thấy tiếng nói chung, khách hàng muốn kiện, chúng tôi sẵn sàng đối mặt”, ông Trung nói.


Trao đổi với PV, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho hay, mấu chốt vấn đề ở chỗ phải căn cứ vào hợp đồng. Hợp đồng góp vốn là hợp đồng dân sự, là sự thỏa thuận cam kết giữa hai bên. Nếu không thực hiện đúng thỏa thuận ghi trong hợp đồng, các bên sẽ phải chịu phạt theo điều khoản quy định. Hợp đồng có ghi rõ được phép điều chỉnh giá bán nhưng cũng phải trong phạm vi nhất định để khách hàng có thể chấp nhận được. Khi có trục trặc, hai bên khách hàng và chủ đầu tư nên ngồi thương thảo. Mỗi bên cần nhân nhượng, chịu thiệt một chút để giải quết vấn đề. Chủ đầu tư và khách hàng cần có đơn vị thứ ba làm trọng tài phân xử. Trong trường hợp không thống nhất được, có thể đưa vụ việc ra tòa.


“Nhiều người ngần ngại khi sự việc đưa ra tòa do ở Việt Nam điều đó chưa phổ biến. Tôi cho rằng, để tòa phân xử là chuyện bình thường, là cách sống theo pháp luật để tháo gỡ vấn đề “, ông Liêm nhận định.



Theo VNE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *