Nhà ở xã hội khiến người nghèo… một đêm thành triệu phú





– Tham gia chương trình xây dựng nhà cho những đối tượng khó khăn “nơi ăn chốn ở” đang được Bộ Xây dựng phát động và thực tế từng triển khai các mô hình nhà ở xã hội tương tự, Hà Nội đang băn khoăn một nỗi băn khoăn có nhiều điểm chung với dư luận, cộng đồng…


Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trước cuộc họp trực tuyến về nhà ở xã hội với Bộ Xây dựng và 5 tỉnh, thành sáng 14/4 đã cho biết:Tại Hà Nội có một thực tế là khi Thành phố bán cho các đối tượng nghèo đã được xét duyệt rất chu đáo, cẩn thận từ cấp Phường, rồi đến Quận, rồi cả Sở LĐ-TB-XH xét duyệt, các sở, ban, ngành thẩm định… nhưng rồi báo chí vẫn nêu rằng những người nghèo này sau một đêm đã trở thành triệu phú chính nhờ những căn nhà đó“! 







Bộ XD họp trực tuyến với nhiều tỉnh, thành phố sáng 14/4/2009 về phát triển nhà cho các đối tượng khó khăn về nhà ở (Ảnh: H.H).

Mặc dù, theo ông Tuấn – khi cấp “sổ” cũng đã kèm điều kiện không được chuyển nhượng, nhưng người dân vẫn bán truyền tay ngay sau khi được mua nhà!


Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định: “Chính vì lẽ đó, khi triển khai nhà ở xã hội, thu nhập thấp lần này, nếu dự định cho phép các doanh nghiệp khi xây dạng nhà này được quyền bán trực tiếp cho các đối tượng – cần nghiên cứu kỹ. Nếu không có chế tài làm sao đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích mà Chính phủ đưa ra sẽ rất khó cho các cơ quan của Nhà nước sau này làm công tác hậu kiểm“.


Ý ông Tuấn là, việc đã rồi thì rất khó giải quyết – nhà ở xã hội rất dễ rơi vào tình huống những người thuê chây ì không chịu trả tiền nhà, hoặc những người sở hữu sẽ chuyển nhượng (cuối cùng lại rơi vào giới đầu cơ)!? Nếu không có sự phối hợp của các tổ chức công đoàn, chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan… ngay từ đầu mà đặc biệt là một chế tài “quyết liệt” thì sau này sẽ rất vướng mắc.







TIN LIÊN QUAN


  • Chi tiếp 400 tỉ đồng cho nhà tái định cư, xã hội
  • Kỳ 1: Đô thị trên 5ha phải dành 10% đất xây nhà rẻ?
  • Kỳ 2: Có phải chất lượng là điều không đáng lo?
  • Kỳ 3: Nhà giá thấp “tái hiện” nhà tập thể bao cấp?
  • Kỳ 4: “Chính thị trường sẽ đánh giá chất lượng nhà giá thấp!”
  •  

Được biết, UBND TP Hà Nội cũng đang giao Sở Xây dựng nghiên cứu qui chế quản lý, vận hành, khai thác các quỹ nhà này, đảm bảo đúng đối tượng cũng như qui trách nhiệm ngay từ ban đầu.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết rất ’thấu hiểu” mối quan tâm của dư luận,  cộng đồng về vấn đề làm sao để các quỹ nhà xã hội, dành cho những người thu nhập thấp đến được với đúng đối tượng. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng các địa phương sẽ là những cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị các tiêu chí về đối tượng, qui chế, qui định về quản lý, vận hành các quỹ nhà này – đảm bảo đồng thời các mục tiêu: tiết kiệm, đúng đối tượng, duy tu, bảo dưỡng tốt… xứng đáng với sự mong đợi của xã hội cũng như những ưu đãi rất lớn mà các cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng được hưởng.


Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến nay, 79 dự án nhà ở xã hội đã được đăng ký trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương – 5 địa phương tiên phong “đột phá” chương trình này, tương đương với 185,72ha đất, dự kiến cung cấp 4.147.472m2 sàn (tức khoảng 58.184 căn hộ). Tổng mức đầu tư dự kiến để thực hiện tất cả các dự án này là 25.113,39 tỉ đồng, kỳ vọng cung cấp cho 250.257 người chỗ ở.


Cụ thể: Hà Nội có 11 dự án nhà ở xã hội được đăng ký với qui mô 24,44ha đất; TP.HCM 49 dự án với 104,47ha đất; Đồng Nai 8 dự án với 51,03ha; Bình Dương 11 dự án với 5,8ha.


Song, Thứ trưởng Nam cho hay, nhiều dự án trong số này có thể mới chỉ là ý tưởng. Thời gian tới, Bộ sẽ khảo sát xem dự án nào đã thực tế có quỹ đất, có qui hoạch, thiết kế, có thể triển khai được ngay…


Bộ Xây dựng khích lệ các doanh nghiệp tiếp tục đăng ký, ngay trong tháng 4/2009 này các địa phương  sẽ lựa chọn một số dự án cụ thể (đã có đất sạch, qui mô, diện tích, chủ đầu tư…), đồng thời đặc biệt ưu tiên, tạo điều kiện cho chủ đầu tư các dự án này hoàn thành sớm thủ tục để khởi công trong quý III/2009.



  • Hoàng Huy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *