BÀI HỌC TỪ KÝ ỨC

    những ký ức hình ảnh trong tôi thường gắn liền với một không gian kiến trúc nào đó. nghĩ rằng do mình hành nghề kiến trúc mà nên nỗi, nhưng khi nói chuyện với nhiều người ngoài nghề và cả những bạn trẻ chưa có nghề gì cả, tôi cũng tìm thấy sự đồng cảm.
    bài học từ ký ứcmột trong những ký ức kiến trúc sâu sắc nhất trong tôi là ngôi nhà nơi tôi sống từ khi còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành. một ngôi nhà xưa cũ, không hề đẹp và rất thiếu tiện nghi. một lần duy nhất ghé qua, kiến trúc sư họ vũ, vừa là đàn anh, là thầy tôi, gần ba mươi năm sau còn nhớ và nhắc: “một kiến trúc rất nhà quê giữa thủ đô hà nội”. rõ ràng ngôi nhà đó gây ấn tượng rất mạnh không chỉ đối với riêng tôi, đến mức sau mấy mươi năm, tôi vẫn chắc rằng mình có thể nhắm mắt và đi lại được trong ngôi nhà ấy, mà không mảy may vấp váp, va chạm, sờ tay lên đúng vị trí một hốc tường nào đó từng là nơi anh chị em chúng tôi cất giấu những đồng bạc cũ dùng để chơi đánh đáo và những viên bi thủy tinh cực kỳ quý hiếm hồi bấy giờ. một kỷ niệm nhỏ: khi tôi lên năm, sáu tuổi, anh trai tôi vốn rất khéo tay, dùng bút chì vẽ lên mảng vôi tróc có hình con chó trên tường và viết tên mic bên dưới. mic là tên con chó rất dễ thương ở nhà bác tôi bên cạnh, hằng ngày chúng tôi vẫn thường chơi với nó. thế rồi nhà được quét vôi đè lên vài lớp, chó mic già và chết, tôi cũng quên luôn hình vẽ ấy. cho đến một ngày trong chiến tranh, bom mỹ rung làm lớp vôi ngoài bong ra, tôi trở về nhà từ nơi trường đại học đi sơ tán, đã không cầm nổi nước mắt vì vui sướng khi thấy lại hình mic trên tường. thời gian qua đi, ngôi nhà không còn nữa, nó bị chia năm xẻ bảy và thay hình đổi dạng hoàn toàn, tôi cũng đã chuyển đổi chỗ ở chừng vài lần, những ngôi nhà sau này mặc dù đẹp và tiện nghi hơn, vẫn không để lại cho tôi ấn tượng như thế nữa.
    một lần qua châu âu, tôi đã thực sự ghen tị khi thấy một số gia đình có cả một không gian riêng lưu giữ những kỷ vật của mấy thế hệ, thường là trong tầng hầm của nhà hay tầng áp mái. chủ nhà rất tự hào về bảo tàng gia đình với những hiện vật xưa cũ, mà không hề khoe phòng khách đẹp hay toilet tiện nghi như ở ta.
    tôi nung nấu nhắc lại hoài niệm kiến trúc trong một ngôi nhà thực sự của mình trong tương lai. mong muốn này chi phối tôi mỗi khi tiếp xúc với một chủ nhà nào đó nhờ thiết kế nhà ở, tôi dành khá nhiều thời gian hỏi han tỉ mỉ về “ngôi nhà ký ức” của họ, thường khi không phải chỉ của một, mà của mọi thành viên trong gia đình, để cố gắng gợi lại trong nơi ở mới của họ một vài “ấn tượng khó phai”. bởi tôi nghĩ rằng thật hạnh phúc biết bao khi gặp lại, cảm nhận được những gì quen thuộc và thân thương nhất trong quãng đời đã qua của mình trong một ngôi nhà mới mẻ và tiện nghi. tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công cả, bởi lẽ kỷ vật quí giá của thành viên này, đôi khi có thể lại là niềm nhức nhối của thành viên khác trong gia đình…
    một vài bạn sinh viên hỏi tôi: “đâu là hạnh phúc của người kiến trúc sư?”. tôi đã trả lời mà không phải đắn đo suy nghĩ: đó là khi thấy những người sống trong công trình do mình thiết kế hạnh phúc, không chỉ với những tiện nghi cao, hình thức đẹp của ngôi nhà, mà cả với với những kỷ niệm tốt đẹp nhất trong miền ký ức của họ. và tôi kể cho các bạn trẻ nghe về ngôi nhà ký ức của tôi, về hình vẽ con chó mic trên bức tường loang lở… cuối câu chuyện, bệnh nghề nghiệp của một thầy giáo đã khiến tôi không quên mở rộng vấn đề với các kiến trúc sư tương lai: tại sao kiến trúc lại cần phải có tính truyền thống và làm sao để đưa được những ký ức sống của cả một cộng đồng, một dân tộc vào công trình kiến trúc mới?

kts trịnh duy anh
(trưởng khoa kiến trúc, trường đh kiến trúc tp. hcm)
ảnh minh họa: trọng nhân

(ktnđ số 4-2007)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *