Hà Nội lại lo xử lý úng ngập mùa mưa 2009





Vài trận mưa nhỏ báo hiệu mùa mưa 2009 bắt đầu. Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng – Thủy văn TƯ, năm nay các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam sớm hơn quy luật, nhiều hơn năm 2008. Với Hà Nội, nỗi lo úng ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn trên diện rộng vẫn còn đó, bởi hiện trạng hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập.




Cũ, thiếu và yếu…











 


Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thi công nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Kim Ngưu, bảo đảm thoát nước trước  mùa mưa bão. Ảnh: Viết Thành


Đó là căn bệnh trầm kha của hệ thống thoát nước Hà Nội hiện nay. Tính bình quân trên toàn thành phố (TP), mật độ cống là 62m/ha và tỷ lệ đường cống so với đầu người ở Hà Nội 0,35m/người là quá thấp so với các đô thị trên thế giới (trung bình là 2m/người). Hệ số phục vụ đường cống thoát nước chỉ chiếm 65-70% tổng chiều dài đường phố, tập trung chủ yếu trong khu vực phố cũ. Nhiều tuyến phố và khu vực dân cư chưa có cống thoát nước như đường Phạm Văn Đồng, Giảng Võ, Lĩnh Nam, Ngô Văn Sở… Hệ thống cống, rãnh trong các ngõ xóm, nhất là địa phương từ xã chuyển lên phường còn manh mún, khớp nối thiếu đồng bộ với hệ thống chính, nên khả năng thoát nước kém. Các tuyến mương hở, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thoát nước, nhưng khả năng tiêu thoát nước kém.




Sau khi Hà Nội mở rộng, nhiều trục mương chính, trạm bơm tiêu giữ vai trò quyết định trong việc thoát nước của các khu vực đô thị ở phía Tây, Tây nam TP và có ảnh hưởng đến việc tiêu thoát của khu vực nội thành khi có mưa lớn xảy ra trên diện rộng. Song, hệ thống này lại do Công ty Đầu tư và Phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý, hầu như không đủ khả năng phục vụ cho mục đích nông nghiệp bởi tình trạng lấn chiếm, bồi lắng thu hẹp dòng chảy, xuống cấp công trình diễn ra phổ biến.




Phần lớn các tuyến phố đã có cống, rãnh thoát nước với mật độ cống tương đối cao, trung bình khoảng 91m/ha. Tuy nhiên, có tới 74km cống được xây dựng trước năm 1954 ở khu phố cũ, có tiết diện nhỏ và đã xuống cấp, nên khả năng thoát nước đã giảm, như tuyến Lò Đúc, Quán Sứ… Ngoài ra, trên địa bàn TP có khoảng 20 công trình xây dựng do các chủ đầu tư đang thi công ảnh hưởng đến việc thoát nước như xây dựng công viên Yên Sở của Tập đoàn Gamuda (Ma-lai-xi-a), xây dựng cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cải tạo mương Hào Nam – Yên Lãng, mương Liễu Giai – Cống Vị…




Vẫn úng ngập, nếu…











 


Cần có những biện pháp triệt để nhằm tránh tình trạng ngập úng có thể xảy ra trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão sắp tới. Ảnh: Nhật Quang


Địa hình Hà Nội tương đối bằng phẳng, do vậy việc sử dụng các hồ, ao để điều tiết việc thoát nước là rất quan trọng. Trên địa bàn có 110 hồ, nhưng mới chỉ có 44 hồ được quản lý mực nước. Cụm hồ Yên Sở và một số hồ mới được cải tạo với dung tích có khả năng điều hòa lớn khi mưa. Các hồ khác, do lâu ngày không được nạo vét và còn đảm nhận các nhiệm vụ khác ngoài chức năng điều hòa nước mưa, nên khả năng chứa nước cũng hạn chế. Nguồn tiêu thoát nước chính của TP là thoát ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở công suất 45m3/s. Ngoài ra còn có một số trạm bơm phục vụ thoát nước khác gồm Đồng Bông 1 công suất 6,7m3/s, các trạm bơm cục bộ như Kim Liên, Phúc Đồng, Cầu Chui… cùng với các đập điều tiết được bảo dưỡng thường xuyên, nên ở trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.




Dự án thoát nước giai đoạn 1 đã thực hiện xong, nhưng quy mô chỉ thực hiện một phần trong quy hoạch thoát nước tổng thể của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1995. Từ năm 1995 đến nay, diện tích mặt đất tự nhiên để nước ngấm xuống đã giảm nhiều so với trước đây do bê tông hóa mặt đường và công trình kiến trúc làm cho thời gian tập trung nước rất nhanh khi có mưa, làm tăng khả năng úng ngập cục bộ.




Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, chuẩn bị cho mùa mưa năm nay, Công ty đã triển khai một loạt các biện pháp. Cụ thể, đẩy mạnh việc duy trì, quản lý vận hành an toàn và hiệu quả, khai thác triệt để năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Ưu tiên nạo vét bằng cơ giới trên các trục tiêu thoát nước chính, các trọng điểm úng ngập. Đồng thời, tập trung nạo vét tại các bãi nổi, cửa cống khu vực 4 con sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và kênh dẫn để tăng khả năng đưa nước về khu vực cụm công trình đầu mối Yên Sở. Do lượng bùn đất tồn đọng trong hệ thống kênh mương, sông là khá lớn, nên Công ty đã tập trung nạo vét tại các trục tiêu thoát chính.




Những hạn chế của hệ thống cống, mương, hồ và các hồ điều hòa cộng với các trận mưa lớn nhiều khả năng có thể xảy ra khiến chuyện úng ngập trên địa bàn Hà Nội là điều khó tránh khỏi. Nỗi lo úng ngập cục bộ mùa mưa 2009 vẫn còn đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *