Thiếu một quy hoạch tổng thể


KTĐT – Ngày 7/5, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội (ĐBQH) Ngô Thị Doãn Thanh đã có cuộc tiếp xúc với cử tri ngành văn hóa xung quanh vấn đề “xây dựng các cơ chế chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa”. Đây cũng là dịp để nhìn nhận rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn Hà Nội.      



Theo thống kê của Sở VHTT&DL, Hà Nội hiện có 5175 di tích, trong đó có 764 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 1226 di tích xếp hạng cấp thành phố. Nhiều quận, huyện có mật độ di tích dày đặc như quận Hoàn Kiếm, huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Ba Vì…. Trong đó, chỉ có 16 di tích do thành phố trực tiếp quản lý như Thành Cổ, Cổ Loa, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, nhà tù Hỏa Lò, Bích câu đạo quán, chùa Láng…, các di tích còn lại thuộc sự quản lý của các quận, huyện và trực tiếp là xã, phường.      



Ông Nguyễn Đức Hòa, phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: Trong việc bảo tồn di tích hiện nay, có một số vấn đề nổi lên chính là việc khoanh vùng, cắm mốc, tổ chức bảo vệ di tích, sau nữa là việc tu bổ, tôn tạo các di tích để phát huy hết giá trị văn hóa. Trong 7 năm qua, thành phố đã tổ chức di dời hơn 200 hộ dân và cơ quan ra khỏi khu vực I của 30 di tích như chùa Liên Phái, Hộ Quốc, Hương Tuyết…. Gần 600 di tích đã được tu bổ với số tiền hơn 335 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Cùng với đó là hơn 900 di tích được tu bổ từ số tiền xã hội hóa. Tuy vậy, vẫn còn nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thời Mạc, Lê đang xuống cấp vẫn chưa được lập dự án như đình Đại Phùng, chùa Quang Húc… Việc tôn tạo di tích như thế nào cho không phá vỡ nguyên gốc cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi.



Ngay tại cuộc tiếp xúc cử tri này, cán bộ ngành văn hóa, đại diện ban quản lý các di tích nổi tiếng của Hà Nội như làng cổ Đường Lâm, thành Cổ Loa, Văn Miếu- Quốc Tử Giám… đã nêu lên những thực trạng và khó khăn của cơ sở trong việc tôn tạo và phát triển các di tích. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyên truyền về Luật di sản cần phải cụ thể hơn nữa, đi sâu vào người dân hơn mới hạn chế được những vi phạm, lấn chiếm di tích. Hơn nữa, cần thiết phải có quy hoạch tổng thể về bảo tồn, tôn tạo di tích vật thể và phi vật thể. Việc quản lý các hộ dân sống trong khu vực 2, 3 của di tích, đặc biệt là những di tích sống như làng cổ Đường Lâm, thành phố cần có chính sách để tái định cư cho những hộ dân có nhu cầu bức thiết về việc mở rộng chỗ ở, hoặc hỗ trợ kinh phí tôn tạo di tích xuống cấp.



Trưởng đoàn Ngô Thị Doãn Thanh cũng đồng ý với những ý kiến đại biểu ngành văn hóa đưa ra, đó là thành phố cần làm sớm việc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lồng trong quy hoạch ngành văn hóa nói chung. Nhưng phải chú ý đến những điểm mới sẽ được sửa đổi trong Luật di sản tới đây. Trong quá trình bảo tồn, cũng cần phải đặt trong sự phát triển của xã hội, quan tâm đến cuộc sống của người dân trong vùng di tích. Phát huy những kết quả tốt đẹp của công tác xã hội hóa tôn tạo di tích. Điều trước mắt là các sở liên quan cùng với ngành văn hóa cần nghiên cứu kỹ dự thảo Luật di sản để có những đóng góp thiết thực, đồng thời sau đó phải tăng cường việc tuyên truyền để luật đi vào đời sống.



MH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *