Hà Nội: Cao ốc nuốt cao tốc



 










Những tòa nhà át đường cao tốc Láng – Hòa Lạc (Ảnh: Phùng Sưởng)


Mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng cho 30km, đường cao tốc Láng- Hòa Lạc được xem là tuyến đường hiện đại bậc nhất Việt Nam có mặt cắt 140m, tốc độ lưu thông được thiết kế là 120km/h. Tuy nhiên, ngay khi dự án còn ngổn ngang thì con đường đang đứng trước nguy cơ trở thành phố, lổn nhổn và nguy cơ tai nạn rình rập.


Cao tốc thành đường phố


Ngay điểm tiếp giáp với Trung tâm Hội nghị Quốc gia, khi con đường còn đang ngổn ngang, hàng loạt công trình nhà dân đã tấp nập hoàn thiện. Nhiều ngôi nhà với đủ loại hình dạng, màu sắc được xếp chật bên vỉa hè phải của con đường.


Đó là khu vực thuộc xã Mễ Trì. Với cung cách dựng nhà, lập phố như vậy nhiều người có lẽ đã quên Láng- Hòa Lạc là đường cao tốc.




Điều 13, Nghị định 186/2004 quy định đường ngoài đô thị, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ mép chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào, mép ngoài của rãnh dọc hoặc mép ngoài của rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên là 20m đối với đường cao tốc, đường cấp 1, cấp 2; 15m đối với đường cấp 3…


Qua khu dân cư, là đến dự án của một doanh nghiệp thuộc Tổng Cty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội bám theo con đường khoảng 200m. Khối công trình biệt thự, cao ốc dày đặc lừng lững mọc lên. Nhiều công trình cao mươi, mười lăm tầng, thậm chí cao hơn.


Khối công trình được xây dựng với mật độ dày đặc, lại thiếu khoảng thở và khoảng lùi cần thiết làm cho con đường rộng 140m như bị thắt lại, ngột ngạt.


Bên trái tuyến (chiều Hà Nội- Hòa Lạc) có hai khối nhà cao năm tầng như hai hộp bê tông dựng  sát  vỉa hè vài mét. Giữa hai khối nhà có tấm biển: “Bộ Tư lệnh Thủ đô- Công ty Hà Thành- Xí nghiệp 4…”. Và vì tấm biển đó chúng tôi khó có thể tiếp cận sâu với công trình này.


Nhà kiên cố trong hành lang an toàn đường bộ


Làm việc với thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, được biết tháng 5/2008, Sở Xây dựng có văn bản báo cáo Thành phố Hà Nội.


Theo báo cáo thì công trình xây dựng thuộc Tiểu đoàn 2- Trung đoàn 47 Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô).


Công trình có diện tích xây dựng 364 m2 nằm trong diện tích 1.040 m2 (phần diện tích còn lại sau khi thu hồi đất xây dựng đường Láng- Hòa Lạc của Trung đoàn 47). Khi đoàn kiểm tra của huyện Từ Liêm và xã Mễ Trì vào kiểm tra, Trung đoàn 47 không xuất trình hồ sơ xây dựng, chỉ cung cấp bản phô tô Công văn 6519/BQP-TM ngày 30/11/2007 của Bộ Quốc phòng gửi UBND TP Hà Nội.


Tại báo cáo gửi thành phố, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị Quân khu Thủ đô cho tạm dừng xây dựng công trình của Trung đoàn 47, đồng thời có văn bản trả lời Công văn số 6519 của Bộ Quốc phòng.


Tháng 1/2009, UBND TP Hà Nội có văn bản giao UBND Huyện Từ Liêm chủ trì phối hợp Sở Xây dựng, chủ đầu tư có biện pháp khẩn cấp dừng và giải tỏa các công trình đang xây dựng trên khu đất dự kiến xây Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Mễ Trì.


Rất tiếc, đến thời điểm này, công trình gần như đã hoàn thành. Phó Chủ tịch UBND xã Mễ Trì Đào Tăng Quýnh cho rằng, khi phát hiện công trình xây dựng vi phạm, xã đã lập biên bản yêu cầu đình chỉ, nhưng “lực bất tòng tâm” và nay thẩm quyền xử lý vượt khỏi cấp xã.








 
Hai khối nhà của Trung đoàn 47 xây gần sát lòng đường cao tốc  Ảnh: P. Sưởng


Khu đất 1.040m2 tại xã Mễ Trì là phần diện tích còn lại của Trung đoàn 47 sau khi mảnh đất được thu hồi 7.708m2 để làm đường Láng- Hòa Lạc. Ngày 30/3/2007, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Quốc phòng nêu rõ:


“UBND TP Hà Nội chấp thuận giải quyết địa điểm đất xây dựng doanh trại mới cho Quân khu Thủ đô tại xã Xuân Phương- Từ Liêm với điều kiện phần diện tích còn lại (1.040m2).


Quân khu có trách nhiệm bàn giao UBND Thành phố để xây dựng công viên động vật bán hoang dã (đến nay dự kiến xây Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia-PV). Trên cơ sở thống nhất với Bộ Quốc phòng, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 31.385m2 đất tại Xuân Phương giao cho Quân khu Thủ đô xây doanh trại.


Tuy nhiên, đến tháng 11/2007, Bộ Quốc phòng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội nêu: “Phần diện tích còn lại 1.040 m2, Bộ Quốc phòng đã có kế hoạch sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng và mong nhận được sự thông cảm của thành phố Hà Nội. Tiếp sau đó là việc ra đời của hai tòa nhà năm tầng của Trung đoàn 47 ngay sát đường Láng- Hòa Lạc như hiện nay”.


Làm việc với ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) chủ đầu tư dự án, chúng tôi nhận được khẳng định: “Đường Láng- Hòa Lạc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Hai chiều đường cao tốc ở giữa có tốc độ lưu thông xe theo thiết kế 120km/h; hai làn đường gom hai bên có tốc độ thiết kế 60km/h và rằng, không có chuyện đường Láng – Hòa Lạc được thiết kế là đường đô thị”.


Theo bản thiết kế được cơ quan chức năng phê duyệt (2005) thì ngoài phần vỉa hè rộng ba mét (nằm trong chỉ giới thu hồi đất làm đường Láng- Hòa Lạc) còn có dải đất rộng bảy mét hai bên đường là phần hè quy hoạch.


Liệu rằng cả công trình của Trung đoàn 47 và những khối nhà đồ sộ của Tổng Cty Đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội có nằm trên phần hè quy hoạch? Không biết ai đã cho phép những công trình này mọc trên hành lang đường cao tốc?     


Phùng Sưởng/ Tiền Phong

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *