Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế Quy hoạch chung xây dựng (QHC) Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, một trong những vấn đề mà các chuyên gia nước ngoài chia sẻ là kinh nghiệm quản lý đô thị. Theo ông Lawrie Wilson – Giám đốc Hansen Partnership International tại Việt Nam – QHC Hà Nội hiện thời (phê duyệt năm 1998 – PV) đã tụt hậu so với tốc độ đô thị hóa. Hơn thế, phương pháp luận và hệ tư tưởng về quy hoạch mà đồ án QHC Hà Nội 1998 cũng lạc hậu. “Cơ cấu hiện thời (mô hình QH) đang nhanh chóng trở nên không phù hợp với việc quản lý phát triển đô thị vì giờ đây, sức mạnh của thị trường chiếm ưu thế trong việc định hình, quy định hình thức, cường độ phát triển đô thị hơn là các yêu cầu của QHC xây dựng” – ông Lawrie Wilson nói.
Chính vì QHC Hà Nội và các cơ chế quản lý đô thị cho việc thực thi QH từ năm 1998 đến nay vẫn còn tồn tại nên tất nhiên đây cũng là cơ chế quản lý việc thực thi QHC Hà Nội trong giai đoạn chuẩn bị. Câu hỏi đặt ra là liệu quy trình quản lý đô thị đã tồn tại bấy lâu có đủ khả năng và phù hợp để dẫn dắt sự phát triển đô thị Hà Nội đến năm 2030? Câu trả lời của ông Lawrie Wilson là không. Ông Lawrie Wilson phân tích thực trạng của các đô thị lớn ở Việt Nam, nhất là Hà Nội: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (hệ thống cống rãnh, thoát nước, điện nước) rõ ràng là chưa đủ. Việc phân bố không gian cho các tuyến đường cũng tương tự. Nhiều khu vực, tình trạng tắc nghẽn giao thông kéo dài suốt cả ngày. Hệ thống giao thông công cộng dựa trên các tuyến đường bộ tắc nghẽn nói trên vì vậy mà hoạt động kém hiệu quả. Không gian mở công cộng (không gian xanh) cũng thiếu. Tỷ lệ đất đô thị được phân bổ cho các không gian xanh rất thấp. Nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với nhu cầu… Với phân tích trên, ông Lawrie Wilson nói: “Không thể phủ nhận được rằng QH đô thị như đang được thực thi không thể mang lại chất lượng cuộc sống đô thị như đã hứa hẹn. Bởi vì phương pháp luận và hệ tư tưởng của QHC xây dựng không giải quyết được những vấn đề cần thiết để biến các thành phố chính của Việt Nam trở thành các đô thị hiện đại, hiệu quả, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao”. Theo ông Lawrie Wilson, QHC xây dựng không phải là công cụ chính để quản lý sự phát triển của Hà Nội trong vòng 40 năm tới. Nó chỉ là một trong những công cụ nhưng nếu tách riêng ra nó có thể có rất ít tác động bởi vì giai đoạn lịch sử gần đấy cho thấy trên thực tế sức mạnh của thị trường không bị kiểm soát đã định hình cho các TP chính ở Việt Nam trong vòng 20 năm qua. “Điều cần thiết là phải có một cái nhìn mới mẻ về việc quản lý phát triển các thành phố chính ở Việt Nam là làm như thế nào cho tốt nhất để có thể tận dụng được các cơ hội kinh tế, để bảo đảm Thủ đô Hà Nội có sức cạnh tranh trên trường quốc tế”. Ông Lawrie Wilson cho rằng yếu tố then chốt trong việc chuẩn bị cho “QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050” nên là bảo đảm một cơ chế hiệu quả và nguồn lực sẵn có để thực thi QH và đây là trách nhiệm của UBND TP Hà Nội. QHC phải có sự quan tâm đúng mức đến các vấn đề như nguồn tài chính sẵn có cho việc thực thi và hoạt động, cơ cấu hành chính cho các quyết định về QH và năng lực, quá trình đào tạo đội ngũ nhân viên. Chính quyền TP nên giữ trách nhiệm trong việc đưa ra những tiến bộ đáng kể vào chất lượng cuộc sống đô thị cũng như khả năng phối hợp các chức năng đô thị khác nhau mà tổng hợp các chức năng này có thể cải thiện và phục hồi cơ cấu vật chất xã hội của TP. Theo ông Lawrie Wilson, UBND TP Hà Nội nên có vai trò chủ đạo trong việc quản lý đề án chuẩn bị QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 vì họ có trách nhiệm chính trong việc thực hiện cuối cùng. Hiện nay, UBND TP chỉ đóng vai trò tư vấn rất nhỏ trong việc chuẩn bị QH vì vậy sẽ không được chuẩn bị tốt cho giai đoạn thực hiện QH. Viện QH xây dựng Hà Nội (HUPI) thuộc UBND TP Hà Nội nên được khẩn trương giao trách nhiệm của một cơ quan quản lý QH Thủ đô Hà Nội. Trách nhiệm này nên bao gồm: Quản lý và điều phối quy hoạch tổng thể cho vùng Thủ đô Hà Nội như một tiến trình; trách nhiệm đối với việc chuẩn bị chiến lược cho TP định ra các mục tiêu phát triển KT-XH vật chất và môi trường; trách nhiệm bảo đảm rằng UBND TP Hà Nội và UBND các quận có các công cụ và nguồn lực cần thiết để quản lý hiệu quả QH tổng thể của TP… Với việc nâng cao vai trò của HUPI sẽ bảo đảm đề án chuẩn bị QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ phù hợp hơn nhiều với các yêu cầu của UBND TP với vai trò là người thực hiện QH. |
Bảo đảm nguồn lực để thực thi quy hoạch
75
Bài trước