Quy hoạch hợp lý hệ thống sân golf











Golf là một môn thể thao cao cấp mới du nhập vào nước ta 20 năm trở lại đây. Sân golf là nơi có cảnh quan đẹp tạo ra sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn cao.



Việt Nam đang ở vào thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh. Cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện. Bên cạnh việc phát triển các hoạt động văn hóa có tính chất truyền thống dân tộc cùng hội nhập với văn hóa thế giới. Nên việc du nhập môn thể thao golf và xây dựng sân golf để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và rèn luyện sức khỏe nhân dân, đặc biệt cho giới trẻ ngày càng nhiều hơn là đương nhiên. Lúc đầu, golf chủ yếu phục vụ cho du lịch, cho giới kinh doanh nước ngoài, cho tầng lớp thu nhập cao trong nước; nhưng dần dần môn thể thao này sẽ phát triển phổ cập sử dụng cho tất cả các tầng lớp dân cư, cần được đưa vào chương trình đào tạo các trường học.



Sân golf cũng có nhiều loại. Loại cao cấp với tầm thế giới và khu vực, yêu cầu diện tích rộng lớn, cảnh quan địa hình muôn vẻ thì bố trí ngoài thành phố, nơi có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, sơn thủy hữu tình. Loại này chủ yếu dành cho các đại gia. Có loại sân golf trung bình. Có loại sân golf bình thường, chỉ với giá vài trăm nghìn có thể chơi được.



Trong xây dựng đô thị, đất xây dựng sân golf cũng thuộc chỉ tiêu đất đai cây xanh, nhưng mà là cây xanh – thảm cỏ chuyên dùng. Các sân golf loại bình thường này ở một số nước trên thế giới như Mỹ, New Dilan bố trí vào khu vực dân dụng của thành phố (vào các quận). Ở một số công viên văn hóa – nghỉ ngơi, hay công viên thể dục thể thao thành phố được dành một phần đất để cho sân golf. Sân golf (hoặc sân tập golf) là một bộ phận hợp thành của công viên thành phố, chỉ tiêu đất sân golf được tính vào chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh thành phố.



Một năm trở lại đây, một số báo chí trong nước đăng tải nhiều ý kiến phê phán việc phát triển sân golf ồ ạt của Việt Nam hiện nay. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến tháng 8/2008 Việt Nam đã có trên 140 dự án sân golf, chiếm 49.270 ha đất (trong đó có 2.625 ha đất lúa, khoảng 5% diện tích chiếm đất). Một số địa phương có nhiều dự án sân golf như: TP.HCM có 13 dự án, Hà Nội 18; Long An 18…. Hiện khu vực có số lượng dự án sân golf nhiều nhất là Nam Trung bộ với 27 sân golf, đồng bằng Bắc bộ với 25 dự án, các tỉnh miền núi phía Bắc 11 dự án, Tây Nguyên 11 dự án, Bắc Trung bộ 7 dự án, Tây Nam bộ có 6 dự án. Với số lượng dự án sân golf ở nước ta như vậy chưa phải là nhiều so với một số nước (Mỹ có 18.000 sân golf; Nhật và Anh mỗi nước có 4.000; Đức 646; Thái Lan 400, Malaysia, Myanmar, Philippines, Indonesia… mỗi nước có hơn 100 sân đi vào hoạt động).



Vấn đề là cần phải xem xét quy hoạch hệ thống sân golf này có bố trí hợp lý theo đặc điểm các vùng kinh tế, phù hợp với điều kiện thiên nhiên và sự phát triển kinh tế – xã hội của từng tỉnh thành không.



Về nguyên tắc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì không được bố trí sân golf vào vùng đất lúa, sân golf không được xé nát đồng lúa. Để bảo vệ môi trường khu vực, sân golf cũng không được bố trí ở đầu nguồn nước sinh hoạt. Vị trí cụ thể sân golf cũng không được dành đất công viên công cộng của cộng đồng dân cư đô thị (trường hợp sân golf ở đồi Cù Đà Lạt, sân golf phía bắc bãi sau TP Vũng Tàu….)



Để giải quyết hợp lý các dự án xây dựng sân golf, Nhà nước cần có quy hoạch mạng lưới sân golf toàn quốc; quy hoạch này phải được cụ thể hóa cho từng tỉnh thành. Tránh tình trạng để các nhà đầu tư đề xuất và xác định vị trí các sân golf một cách tự phát không phù hợp với yêu cầu quyền lợi chung của đất nước, đặc biệt các sân golf chiếm đất “bờ xôi ruộng mật” như vừa qua.



Đương nhiên việc đầu tư xây dựng các sân golf phải được triển khai theo cơ chế thị trường, có chủ đầu tư rõ ràng như đầu tư kinh doanh các công trình sản xuất hay công trình bất động sản khác. Phải có chế tài nghiêm khắc như “tiền đặt cọc”, tiền “thế chấp” để tránh tình trạng kéo dài thời hạn thực hiện dự án tới 9-10 năm, biến thành “dự án treo”,…



Vấn đề đền bù, tạo quỹ đất để xây dựng sân golf phải theo đúng Luật Đất đai. Tiền đền bù lấy đất xây dựng sân golf cũng phải theo giá đất xây dựng đô thị thị trường, hoặc biến giá tiền đất đó là “cổ phần” đóng góp của người dân vào xây dựng sân golf.



Tóm lại, sự phát triển xây dựng sân golf, phát triển ngành thể thao chơi golf là một quy luật phát triển xã hội, đáp ứng nhu cầu của dân cư và quốc tế, hội nhập quốc tế. Nhưng phát triển số lượng sân golf, quy mô và địa điểm từng sân golf phải theo quy hoạch vùng tổng hợp của cả nước, của từng vùng kinh tế, từng tỉnh thành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *