Nhiều khu vực đô thị ở Hà Nội quy hoạch thiếu chuẩn mực, công tác quy hoạch chi tiết cho các vùng, tuyến đường vẫn chưa dựa trên những cơ sở khoa học. Theo PGS.TS. Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho biết: nhiều khu vực đô thị ở Hà Nội quy hoạch thiếu chuẩn mực; công tác quy hoạch chi tiết cho các vùng, tuyến đường vẫn chưa dựa trên những cơ sở khoa học. Tỉ lệ đất giành cho giao thông quá thấp Từ năm 2002, TS. Lâm Quốc Cường, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội tiến hành đề tài nghiên cứu về các giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy, phần lớn đường phố Hà Nội hiện quá chật chội, nhưng khó có thể mở rộng bởi vướng nhà ở của dân cư. Bên cạnh đó, các nút giao thông, giao nhau tại các đường phố Hà Nội hầu hết đều chưa đạt tiêu chuẩn, mật độ bãi đỗ xe trong khu vực dân cư, bãi đỗ xe tự động thiếu trầm trọng.
Tháng 4/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, trong đó quy định rõ để giao thông đô thị liên thông, không bị ùn tắc, mật độ đường phải đạt 5-6km/km2, mật độ cây xanh trong khu đô thị phải đạt 2m2/người… Nhưng không chỉ những khu vực được xây dựng lâu năm như quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, mà ngay cả những khu vực xây dựng mới cũng chưa tuân thủ điều này. Theo TS – KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, hiện nay, trong quá trình thẩm định phê duyệt các công trình, dự án đô thị đều xem xét đến yếu tố mật độ đường giao thông, không gian xanh, trong đó có cây xanh công cộng. Phần lớn công trình tuân thủ quy hoạch này. Nhưng cũng có không ít công trình “lọt lưới”. Qua khảo sát thực tế cho thấy, tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị ở Hà Nội rất thấp, chỉ đạt 7,06%, trong đó quy chuẩn hiện hành là 24-26% và thực tế một số nước trong khu vực là 22-24%. Đặc biệt, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội còn quá thấp, chỉ đạt dưới 0,5%, trong khi đó theo quy chuẩn, tỷ lệ này là 3% và tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 3-3,5. Quy hoạch cần chi tiết và khoa học TS. Huỳnh Đăng Hy cho biết, Hà Nội mới có quy hoạch tổng thể, chưa có quy hoạch chi tiết cho từng vùng, từng tuyến đường. Trong khi đó, theo nguyên tắc chung phải có quy hoạch phân khu trong quy hoạch tổng thể. Quy hoạch tổng thể phải thể hiện được hệ thống công trình xã hội, công trình văn hóa giáo dục, y tế, trường học, hạ tầng kỹ thuật đường sá, cấp thoát nước, điện… Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết không có nghĩa buộc phải theo khuôn mẫu cứng này, mà cần bổ sung các tuyến đường nhỏ liên thông. Đường giao thông muốn không ùn tắc phải liên thông, phải chuẩn về mật độ đường. Theo chuẩn về giao thông, mật độ đường phải đạt 5-6km/km2. Có nghĩa là trong vài trăm mét phải có con đường, giống như khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… Nhưng thực tế lại khác. Ông lấy ví dụ “Nút giao thông đường Cầu Giấy thuộc vào loại to nhất thành phố, nhưng có lúc bị tắc đường hơn 1 tiếng đồng hồ. Nếu có đường liên thông, đường khác thì làm gì bị tắc…”. Tại hội thảo, TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết, đối với các chủ đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phần lớn vẫn chỉ quan tâm giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình, xây nhà để bán, còn việc xây dựng vườn hoa cây xanh cùng các hạng mục cơ sở hạ tầng cần thiết khác lại không được đầu tư. Chẳng hạn như khu Trung Hòa – Nhân Chính, Nam Trung Yên, Ciputra… chưa giải phóng hết mặt bằng, chưa di dời nghĩa trang để xây dựng công viên cây xanh. Tại cuộc hội thảo góp ý, hầu hết các nhà khoa học đều thống nhất kiến nghị Ban soạn thảo áp dụng quy định đối với chủ đầu tư dự án nhà ở, buộc nhà đầu tư phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về tiến độ thi công song song với xây dựng cơ sở hạ tầng, công viên, vườn hoa, đường giao thông… (Theo Công Thương) |