CDS công cụ hữu hiệu cho sự phát triển đô thị







Nếu ứng dụng thành công Chiến lược phát triển thành phố (CDS) sẽ giảm sự chồng chéo, giảm lãng phí, nhất là lãng phí trong việc sử dụng đất, giảm nguồn lực đầu tư và tăng tình hiệu quả của các dự án.




Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Trong một đô thị có rất nhiều quy hoạch, trong đó có quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển của ngành giao thông, quy hoạch ngành nước, quy hoạch về hạ tầng xã hội như là giáo dục, y tế…Nhưng hiện nay các quy hoạch này chưa có sự lồng ghép, kết nối với nhau thành quy hoạch đa ngành. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai CDS là hết sức cần thiết.





Một góc đô thị Đồng Hới.




Bộ xây dựng đã có chương trình phát triển đô thị (CDS) cho một số thành phố ở Việt Nam. Nhưng việc triển khai hiện nay đang bị dừng lại. Cục Phát triển Đô thị đang có hướng sẽ xây dựng Chiến lược phát triển các thành phố mới của việt Nam đến giai đoạn 2025 để điều chỉnh định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 445.




Cũng theo bà Hạnh, trong một đô thị quy hoạch các ngành còn chồng chéo. Triển khai CDS là một việc làm cần thiết, giống như người nhạc trưởng đừng ra điều phối tất cả các bài hát, nhạc cụ để thành một bản nhạc tổng hợp. Nếu ứng dụng thành công CDS sẽ giảm sự chồng chéo, giảm lãng phí, nhất là lãng phí trong việc sử dụng đất. Nguồn lực bỏ ra để đầu tư xây dựng các dự án cũng sẽ giảm đi rất nhiều, và sẽ tăng tình hiệu quả của các dự án lên.




Là một trong những địa phương thí điểm triển khai CDS, Đồng Hới đã xây dựng được Chiến lược phát triển thành phố, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố giai đoạn 2006 – 2010 và hướng tới xây dựng chương trình hành động giảm nghèo.




Tỉnh đã có Quyết định thành lập nhóm công tác (gồm 6 thành viên, là lãnh đạo TP và trưởng phó phòng ban có liên quan) đã được tập huấn cơ bản về quy trình xây dựng. Nhờ vậy, việc triển khai CDS cho thành phố bước đầu đã thuận lợi. Quy trình CDS tại Đồng Hới được áp dụng nguyên bản theo mô hình 3A của thành phố Yogyakarta (Indonesia), bao gồm:Atlas, Agenda (Chiến lược phát triển đô thị) và Application (Triển khai thực hiện và đánh giá).










Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5% (2001 – 2005), giá trị công nghiệp trung bình mỗi năm tăng 13,06%. Thu nhập bình quân trên đầu người đã đạt được 750USD (2005), vượt mặt bằng chung của cả nước và không thua kém mức thu nhập bình quân 787 USD/người/năm của Đà Nẵng. Đồng Hới đã xây dựng khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều nhà máy, xí nghiệp vào hoạt động như các ngành chế biến nông, lâm, hải sản, lắp ráp điện tử, xe máy, sản xuất VLXD, hoá chất, may mặc…

Dưới sự chỉ đạo của UBDN TP Đồng Hới, CDS được xây dựng với sự tham gia của nhiều phòng ban, trong đó phòng Tài chính – Kế hoạch và phòng Kinh tế đóng vai trò chính.




Trên cơ sở thu thập thông tin, bao gồm thông tin về chức năng đô thị, không gian đô thị, cơ sở hạ tầng và bộ máy quản lý, sau đó phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng và hạn chế đối với phát triển đô thị, tập bản đồ Atlas về kinh tế, chính trị, văn hoá, tiềm năng phát triển và các khu vực nghèo của Đồng Hới đã được xây dựng.  Đây là công cụ tiện lợi để trực quan hóa phân bố nguồn lực theo không gian, là cơ sở tốt cho phân tích SWOT ( điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và hiểm nguy) của Thành phố. Đồng thời, trong quá trình xây dựng CDS, đã tiến hành khảo sát về môi trường kinh doanh, nhằm tham vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về Chiến lược phát triển kinh tế.




Kết quả, TP đã đưa ra được chiến lược phát triển thành phố cung cấp những hướng dẫn mang tính tổng thể cho việc phát triển đô thị Đồng Hới; Phát triển và thực hiện kế hoạch hành động cho Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo của TP, lồng ghép chiến lược này vào chiến lược phát triển Thành phố; Giới thiệu được các cơ hội của TP cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Thiết lập các danh mục đề xuất cụ thể, danh sách các dự án đầu tư (bao gồm cả danh sách dài và danh sách ngắn các dự án đầu tư mang tính trung hạn), đồng thời đánh giá năng lực tài chính và phân tích tính khả thi của những dự án được đề xuất.




Chiến lược CDS đã được sử dụng là tài liệu tham khảo cho quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội chi bộ Đảng 18 và là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 của Đồng Hới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *