Sau một ngày ròng rã cùng với trên 500 cây số ngồi xe từ Hà Nội, chúng tôi đến Bản Vẽ thuộc xã Yên Na, địa bàn được ví là cái rốn sâu, hiểm trở và độc hại nhất của huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An. Đây là địa bàn nằm sát với thượng nguồn sông Nậm Nơn khởi nguồn từ nước Lào chảy qua và là nơi đặt dự án xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ có tổng công suất 320MW (lớn nhất khu vực Bắc miền Trung vào thời điểm này).
Chủ tịch HĐQT Cty CP Sông Đà 2 Lê Văn Giang dẫn chúng tôi vào bản doanh của Ban Điều hành (BĐH) nằm trên quả đồi cao. Đã 5 giờ chiều nhưng không một cán bộ quản lý chủ chốt nào có ở trụ sở, họ đang chỉ huy thi công tại hiện trường. Đường vào mặt bằng công trình khấp khểnh, lầy lội bởi đêm trước trận mưa quá to khiến lũ thượng nguồn đổ ập về đến nỗi làm sập cả cây cầu giao thông nội bộ ngay cạnh BQLDA và cách đó hơn 10km lũ đã cuốn trôi 5 mạng người cùng với ngôi nhà sàn của một gia đình người Thái. Giám đốc điều hành Sông Đà 2 tại Bản Vẽ Hoàng Công Phình cho biết, Cty có 3 đơn vị trong đó 200 người thuộc XN 206 chuyên làm công việc vận chuyển và đổ bê tông đầm lăn, XN 208 chuyên nổ mìn, khai thác, vận chuyển và sản xuất đá các loại phục vụ cho toàn bộ dự án. Sông Đà 2 là đơn vị chủ công số 1 trong tổng số trên 10 nhà thầu trên công trình. Thủy điện Bản Vẽ là công trình lớn trọng điểm cấp Nhà nước, ngoài TCty Sông Đà là nhà thầu chính, còn có các TCty lớn trong nước tham gia xây dựng như: Vinaconex, Covesco, Coma, Licogi, Binh đoàn 11, Cavico… Dự án hiện nay chủ yếu còn lại phần đắp đập là trọng tâm số 1, song song là công tác lắp đặt thiết bị 2 tổ máy. Kỹ sư Trần Văn Xin, Tổng giám đốc Điều hành dự án cho biết, muốn đạt được mục tiêu ngăn sông vào tháng 10 này để tích nước lòng hồ phục vụ cho phát điện vào năm 2010 thì trước hết phải hoàn thành việc đổ xong 1 triệu m3 bê tông đầm lăn, bảo đảm cho toàn bộ thân đập đứng ở cao độ 150m. Đến thời điểm này với 732 nghìn m3 bê tông đầm lăn đã được đắp đổ an toàn tại con đập ngăn sông chiều dài 450m có bản mặt rộng dưới đáy 120m mới chỉ đang hiện hữu ở độ cao 132m mà thôi. Như vậy còn thiếu ngót 300 nghìn m3 bê tông đầm lăn nữa mới kịp phục vụ ngăn sông, tích nước vào tháng 10 này. Nói theo cách của nhiều nhà chuyên môn thì với khối lượng còn lại, nếu dự án nằm ở vùng Tây Bắc hoặc Tây Nguyên thì lực lượng thi công sẽ cam kết hoàn thành đúng tiến độ, nhưng trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt và thất thường tại Bản Vẽ, cộng với thiết kế quy định phân vùng cho khu vực tại Dự án này thì việc hoàn tất 1 triệu m3 bê tông đầm lăn vào tháng 10/2009 sẽ là điều rất khó thực hiện. Chỉ tiêu của BĐH đề ra cho các đơn vị đắp đập là 50 nghìn m3/tháng, nhưng hết tháng 5 tiến độ này đã bị vỡ (do mới chỉ hoàn thành 1/2 khối lượng). Mùa này ai đến Bản Vẽ dẫu chỉ một lần cũng sẽ được nếm trải thứ không khí vô cùng khắc nghiệt. Sáng nào không mưa, ánh nắng đã chói lên từ 6h, đến 8 – 9h nhiệt độ đã tăng lên 38 – 390C và suốt từ đó đến chiều, nhiệt độ còn đẩy lên đến 42, có lúc 440C. Dẫu vậy, mấy nghìn người thợ trên công trình vẫn miệt mài với công việc. Tại bãi tổ hợp, trong các tổ máy, ở mặt bằng trạm oru, trên cửa nhận nước và ở các trạm trộn, nhiều kíp thợ vẫn đều đặn ca tiếp ca. Trưởng phòng cơ giới vật tư Nguyễn Thái Dậu dẫn chúng tôi đến trạm nghiền sàng giới thiệu Sông Đà 2 đã đầu tư hai dây chuyền này từ Thụy Điển, công suất 1.000 tấn/h (lớn nhất nước ta hiện nay). Máy đang sản xuất ở mức tối đa để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nguyên liệu cho trạm lạnh. Kỹ sư Nguyễn Văn Chiến, Phó BĐH công tác lắp thiết bị cho biết, lực lượng lắp máy của 3 đơn vị của TCty Coma đã hoàn thành và lắp đặt vào vị trí 1/3 tổng số thiết bị của cả 2 tổ máy. Hiện tại tổ hợp rotor 450 tấn để đầu tháng 8/2009 sẽ cẩu lắp vào tổ máy số 1. Ông Dậu cho biết thêm: Duy có mặt đập là đường găng quan trọng, cấp bách nhất thì luôn bị gián đoạn phần lớn do ông trời sớm nắng chiều mưa đã gây xáo trộn kế hoạch. Do địa bàn và khí hậu từng vùng nên việc đắp đập bê tông đầm lăn ở Bản Vẽ khác với các nơi, ngoài việc dùng chất liệu xi măng bột đá, chất phụ gia Pugionam phải mua từ Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt khâu làm lạnh ở nhiệt độ 240 do thiết kế cho phép, mỗi m3 bê tông rải trên đập phải dùng tới 70kg đá lạnh. So với mức tiêu thụ trong ngày đáp ứng cho thi công thì phải cần đến 150 tấn, nhưng trạm sản xuất đá tại Bản Vẽ đã chạy hết công suất cũng chỉ được từ 80-100 tấn/ngày. Chỉ huy trưởng Hoàng Công Phình, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Thái Dậu, Giám đốc Nguyễn Hoàng Kỳ… là những người đã có mặt và bám trụ với công trình ngay từ lúc khai móng, đổ nền, suốt 6 năm qua dù xa xôi hẻo lánh, dù muỗi vắt độc hại, dù khó khăn nhiều bề trong sản xuất thi công, đến thời điểm này công trình đã gần về giai đoạn cuối nhưng đơn vị lại đang phải gồng mình chống chọi với công việc và thời tiết nghiệt ngã, nhất là lực lượng công nhân của XN bê tông 206. Họ chỉ có thể lao động về ban đêm khi nhiệt độ hạ xuống, nhưng ở Bản Vẽ thời tiết đâu có ưu ái dành cho công việc này, đêm làm việc suôn sẻ thì có ít, còn đêm mưa gió thì nhiều đang thi công gặp mưa phải ngừng việc là chuyện thường xảy ra. Mỗi sự cố như vậy không những hụt chỉ tiêu, năng suất thấp mà còn kéo theo hàng trăm công nhân dư thừa chờ việc, đã vậy hàng loạt xe máy và thiết bị thi công cũng phải ngừng nghỉ. Trăn trở trước hoàn cảnh khó khăn ấy, từ Hà Nội TGĐ Sông Đà 2 Hồ Quang Dũng đã tuần 2 lần vào công trình chỉ huy, động viên CBCNV và tìm giải pháp tháo gỡ. Những ngày đêm đến công tác ở Bản Vẽ được cùng ăn ngủ nhà tập thể, cùng ra hiện trường với các kíp thợ, chúng tôi cảm nhận không khí lao động tích cực, khẩn trương, tự nguyện của công nhân trên công trường. Chiều xuống, khi nắng sắp tắt, nhiều tốp thợ đã có mặt ở hiện trường, kẻ nạo vét bùn, người phun xịt, xì rửa làm sạch bụi bẩn sau những trận mưa đêm trước, các phương tiện xe máy sẵn sàng vận chuyển bê tông thành phẩm ra địa điểm đắp đổ… Hầu như ai nấy đều đã quen dần với thời tiết đỏng đảnh ở đây, cùng với sự thông cảm những khó khăn của công trình. Thủy điện Bản Vẽ đang rất cần một sự điều chỉnh hoặc một giải pháp khắc phục hữu hiệu từ phía nhà đầu tư và các cấp có liên quan nhằm cải thiện công tác thi công bê tông đầm lăn bảo đảm tiến độ ngăn sông, tích nước vào cuối quý III tới. |
Thủy điện Bản Vẽ – “nóng” lên từ mặt đập
59