Đừng đầu tư bất động sản theo tin đồn



 










Sau một thời gian trầm lắng, giao dịch BĐS tăng lên – Ảnh: D.Đ.M


Thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu sôi động trở lại ở một số khu vực, tăng cả về số lượng giao dịch và giá cả. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã bình luận về xu hướng này trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên.


* Thưa ông, sau một thời gian trầm lắng, thị trường BĐS Hà Nội và TP.HCM có dấu hiệu sôi động trở lại, ông đánh giá gì về diễn biến này?


– Diễn biến này là tất yếu, sau một thời gian trầm lắng, giao dịch BĐS tăng và giá cả nhích lên. Hiện nay, thị trường BĐS ấm lên do được hỗ trở bởi nhiều yếu tố, ví dụ như tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau khi đi qua đáy. Nhưng cơ bản vì nhu cầu của người dân về nhà ở còn lớn; khoảng cách giữa cung và cầu còn lớn. Ở Việt Nam bình quân nhà ở mới đạt 12 m2/người, riêng Hà Nội mới đạt 7 – 8 m2/người, trong khi ở các nước con số này là 30m2. Cho nên về lâu dài, thị trường BĐS Việt Nam còn phải phát triển. Điều mà Chính phủ mong muốn là chúng ta có một thị trường BĐS lành mạnh, có mua, có bán, giá cả ở mức hợp lý.


* Tốt nhất là một thị trường giao dịch bình thường nhưng thị trường BĐS Việt Nam luôn ở trạng thái hoặc là “đóng băng” hoặc lên cơn sốt, nguyên nhân do đâu thưa ông?


– Theo tôi là vấn đề tâm lý, người Việt Nam hay bị tác động bởi đồn thổi, chạy theo phong trào, ít phân tích (không chỉ thị trường BĐS đâu). Thị trường BĐS có lợi nhuận cao nhưng đồng thời cũng mang tính rủi ro cao, nếu vẫn đầu tư theo kiểu phong trào, nghe đồn thổi sẽ rất nguy hiểm.


* Các phân tích cho thấy, sở dĩ tình hình như vậy vì thị trường vẫn bị thao túng bởi giới đầu cơ, trong khi đó các công cụ chống đầu cơ của cơ quan quản lý chưa đủ?


– Đúng là cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thiện khung pháp lý, cung cấp đầy đủ thông tin để định hướng, dự báo, đưa ra chỉ dẫn thị trường cho người đầu tư. Nhưng bản thân người tiêu dùng cũng phải tự điều chỉnh hành vi của mình. Đầu tư cũng cần chuyên nghiệp, không biết thì phải tìm tư vấn có hiểu biết, không nên a dua, đầu tư theo lời đồn thổi.








 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam


* Cụ thể biện pháp của cơ quan quản lý là gì, thưa ông?


– Cung cầu hiện nay chênh lệch, cung ít, cầu lớn là có thật nhưng vấn đề còn ở chỗ thông tin thị trường chưa tốt, ví dụ như số các dự án đang hình thành, xu hướng giá cả ra sao… chúng ta chưa có một cách đầy đủ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đang chạy thí điểm chỉ số thị trường BĐS, bao gồm các chỉ số về lượng giao dịch, loại hàng hóa, giá cả… để đo nhiệt độ thị trường, giúp người dân và doanh nghiệp dựa vào đó để mua bán, quyết định đầu tư. Việc này làm chậm bởi thời gian vừa qua thị trường trầm lắng, biến động không nhiều khiến việc đo dữ liệu khó khăn. Thị trường đang ấm lên, chúng tôi sẽ đẩy nhanh hơn để có thể sớm đưa ra chỉ số.


* Các tuyên bố đưa giá nhà đất về giá trị thực (hợp lý so với thu nhập bình quân) tỏ ra không thực tế khi mà sau mỗi cơn sốt, giá BĐS lại được đẩy lên cao hơn?


– Giá nhà ở của ta so với thu nhập của người dân là rất cao, điều ấy là thực tế. Có thể nhìn thấy rất rõ, ở nước ngoài có cái gọi là chỉ số nhà, bằng giá nhà chia cho tổng thu nhập của một người dân, hoặc một hộ gia đình trong một năm. Chỉ số này ở các nước là 5 – 6, có nghĩa là tổng thu nhập của một hộ gia đình trong 5 – 6 năm hoặc nếu trừ tiền ăn, ở, đi lại, học hành thì 15 năm có thể mua được nhà. Ở Việt Nam con số này là 15 – 16, nghĩa là phải 30 – 40 năm mới có thể mua được nhà. Như vậy các gia đình trẻ sẽ rất khó khăn.


Yếu tố cấu thành nên giá nhà ở tại Việt Nam gồm giá đất là chính, chiếm 90 – 95%. Giá đất lâu nay là vấn đề quan tâm của Nhà nước nhưng thành thật mà nói, chúng ta chưa giải quyết được. Luật Đất đai phải sửa đổi nhưng sửa theo hướng nào cũng chưa thống nhất được. Đất đai ở ta là đan xen sở hữu, rất phức tạp, phải có thời gian nghiên cứu.


Tuy nhiên, để góp phần giảm chi phí và giá thành nhà ở, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi một số điều luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, trên tinh thần là rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó có dự án nhà ở. Đơn giản tối đa thủ tục sẽ giúp giảm chi phí vô hình cho doanh nghiệp, góp phần giảm giá nhà. Ngoài ra, Nhà nước chủ động tham gia thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp cũng sẽ góp phần giảm áp lực cung cầu, làm giảm giá nhà trên thị trường.


* Thưa ông, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở nhằm mở rộng đối tượng Việt kiều sở hữu nhà trong nước, chính sách này sẽ tác động thế nào đến thị trường?


– Theo tôi, tác động nếu có cũng là tích cực. Thứ nhất, là tác động tốt về chính trị xã hội, góp phần cụ thể hóa đường lối nhất quán của Đảng, chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện cho bà con Việt kiều gắn bó với quê hương. Thứ hai, nếu bà con có tiền, có nguyện vọng mua nhà ở trong nước cho bản thân sẽ làm tăng trưởng thị trường BĐS. Tôi hiểu có nhiều người lo ngại việc đầu cơ, nhưng đừng lo việc đó bởi vì, ngoài việc chúng ta có đủ công cụ để hạn chế đầu cơ (sắp tới còn đánh thuế sở hữu nữa), thì như đã nói ở trên, giá BĐS ở Việt Nam đang rất cao, Việt kiều về nước đầu cơ không có lợi.


Luật quy định, Việt kiều sở hữu nhà trước hết vì mục đích sinh sống, nên dù không thể nói là được quyền sở hữu 4 – 5 nhà nhưng mình cũng phải thừa nhận thực tế, có gia đình đông người hoặc ở nhiều thành phố khác nhau… Do vậy, Chính phủ sẽ phải hướng dẫn trong trường hợp có nhu cầu mua nhiều nhà cần có các điều kiện cụ thể gì? Hoặc cũng cần quy định về việc cho thuê, chuyển đổi… Tinh thần là luật có thể thực hiện từ 1.9 tới đây.


An Nguyên
(thực hiện)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *