(VTC News) – Trao đổi với VTC News, ông Phạm Văn Thiệu, nguyên là bác sĩ, Phó Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam, người đã nhiều lần có đơn thư tố cáo gửi đến các cấp, các ngành về sự bất cập của dự án cải tạo xây dựng Công viên hồ Ba Mẫu thẳng thắn cho biết: “Các ngành, các cấp đừng nên đổ tại dân làm dự án chậm triển khai”.
Rồi ông Thiệu bắt đầu chỉ ra những nguyên nhân, mà theo ông, khiến nhiều người dân không đồng tình: “Việc quy hoạch, cải tạo xây dựng công viên hồ Ba Mẫu không hề công khai cho những người dân trong khu vực biết. Ranh giới quy hoạch thì không rõ ràng. Quá trình thực hiện thì hoàn toàn sai với quy hoạch. Thậm chí họ lợi dụng thay đổi quy hoạch để lấy đất bán cho cán bộ”, ông Thiệu nói.
Theo ông Thiệu, việc các ngành các cấp nói, dự án chậm là do dân đó là ngụy biện, đổ tội cho dân. “Từ khi có quy hoạch cải tạo hồ Ba Mẫu, khi đó người dân ai cũng phấn khởi. Nhưng cũng bắt đầu từ năm 1990 đến nay, đã nhiều lần dự án này bị điều chỉnh đi, điều chỉnh lại, trong đó có những thay đổi lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân chúng tôi. Thậm chí họ không hề công khai cho dân biết quá trình thay đổi và điều chỉnh quy hoạch. Cho dù thành phố nhiều lần điều chỉnh lại quy hoạch”.
Ông Phạm Văn Thiệu, dân chỉ kêu những bất thường trong dự án cải tạo hồ Ba Mẫu. |
Theo những tài liệu mà VTC News có được, tháng 10 năm 1990, UBND thành phố Hà Nội có quyết định số 4177/QĐ-XDCB duyệt tờ trình của Ban chỉ đạo phong trào lao động xây dựng Thủ đô về việc đầu tư xây dựng cải tạo hồ Ba Mẫu. Tại Quyết định này các hạng mục xây dựng đường, hè, chiếu sáng, cấp thoát nước, cây xanh thảm cỏ được phê duyệt như trong Luận chứng kinh tế kỹ thuật. Tổng mặt bằng dự án 8,75ha đất ao, hồ và 0,18ha đất khu dân cư phải giải phóng mặt bằng. Với mục đích sử dụng đất là: Làm hồ điều hòa 5,0 ha, làm đường, hè cây xanh thảm cỏ 1,7 ha; làm mương thoát nước, khu di dân, xây khách sạn và công trình công cộng 1,99ha. Vốn đầu tư là 1.802 tỷ đồng, trong đó xấy lắp 1,4 tỷ đồng, KTCB khác 402 triệu đồng.
Từ đó đến ngày 10/7/1998, UBND TP Hà Nội đã 11 lần ra quyết định điều chỉnh quy hoạch.
Ông Thiệu cho biết, sau khi có đơn khiếu tố của người dân, Thanh tra Nhà nước đã vào cuộc điều tra và đi đến kết luận, nội dung khiếu tố của nhân dân về vấn đề này cơ bản là đúng. Ngay từ khi qui hoạch ban đầu, khu đất 1.075 m2 không đưa vào qui hoạch của Dự án là việc làm có chủ ý. Thông qua việc điều chỉnh qui hoạch, UBND TP Hà Nội đã ban hành các quyết định phê duyệt để thay đổi diện tích khu di dân từ 10.155 ha đất nằm trong chỉ giới qui hoạch của dự án cải tạo hồ Ba Mẫu thành 646 m2 đất để di dân tại chỗ nằm ngoài chỉ giới quy hoạch ban đầu của dự án thành đất trong chỉ giới quy hoạch rồi lại đưa ra ngoài chỉ giới qui hoạch để lấy đất xây dựng nhà ở để bán.
Thay đổi qui hoạch bằng việc nâng cấp đường dạo xung quanh hồ thành đường giao thông trong công viên đã gây tốn kém không đáng có và làm sai lệch mục đích ban đầu.
Như vậy từ mục đích qui hoạch ban đầu là cải tạo hồ Ba Mẫu phục vụ công cộng và dân sinh, qua nhiều lần thay đổi để tạo ra quĩ đất xây dựng nhà ở để bán, xây biệt thự cho thuê và làm đường giao thông trong công viên nhằm mục đích thương mại là chính.
Vì không đồng tình với cách làm mà một số hộ dân thuộc tổ 23 đã nhiều lần viết đơn kiện đến các cấp các ngành. |
Ông Thiệu còn cho biết thêm, khi nghe thông tin quận Đống Đa, Hà Nội có Quyết định chuyển trường tiểu học Phương Liên vào cạnh Công viên hồ Ba Mẫu thay cho địa điểm cũ (Dốc Đê, Trung Tự), ông Thiệu cùng một số cụ “cao niên” thuộc tổ 23 phường Phương Liên đã viết thư gửi tới bà Trần Thị Thanh Thanh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em lúc ấy – thể hiện sự không đồng tình với việc chuyển trường tiểu học Phương Liên về khu vực hồ Ba Mẫu.
TIN LIÊN QUAN |
> Dự án hồ Ba Mẫu dừng lại vì không đủ quỹ đất di dân? > Các cơ quan chức năng bắt tay “đánh thức” dự án hồ Ba Mẫu > Dự án hồ Ba Mẫu “đắp chiếu” 2 thập kỷ vì không là trọng điểm? > Người dân hồ Ba Mẫu và hơn 10 năm “đoạn trường” kiến nghị > Dự án hồ Ba Mẫu: “Lãnh đạo cao nhất Hà Nội hãy đối thoại với dân” > Dự án hồ Ba Mẫu có thể hoàn thành trong 3 tháng? > Hồ Ba Mẫu: Đã có phương án nhưng vẫn chậm triển khai? > Chính quyền thiếu quyết liệt trong dự án hồ Ba Mẫu? |
Thư nêu rõ, khi nghe tin quận Đống Đa, Hà Nội có Quyết định chuyển trường tiểu học Phương Liên vào cạnh Công viên hồ Ba Mẫu thay cho địa điểm cũ (Dốc Đê, Trung Tự), trong kỳ họp cử tri ngày 9/1/1998 để chuẩn bị cho Hội đồng nhân dân Thành phố họp, 700 phụ huynh của các học sinh đang theo học tại đây đã đề nghị không chuyển trường tiểu học Phương Liên vào trong khu dự án hồ Ba Mẫu.
Lý do có đề nghị này là bởi môi trường tại hồ Ba Mẫu ô nhiễm quá nặng nề, cứ vào mùa nắng là khu vực quanh hồ lại phải chịu một mùi hôi thối do tảo chết làm ngột ngạt bầu không khí nơi đây. Cũng vì mùi này mà nhân dân quanh khu vực đã phải đi “sơ tán” nhiều. Thực tế hồ này, trước khi cải tạo hồ (1990), tôm, cá, ốc nhiều vô kể mà nay chết không còn một con, bỏ giống cá nuôi cũng không con nào có thể sống sót.
Ngoài ra, trong thư gửi bà Trần Thị Thanh Thanh, ông Thiệu còn chỉ ra nhiều bất cập có thể làm ảnh hưởng tới các cháu học sinh như tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy quanh hồ: “Chuyển trường vào trong khu dân cư là làm sai mục đích ban đầu vì đây là nơi đền bù cho người dân. Cho dù là sai mục đích ban đầu cũng có thể chấp nhận được nếu như đây là một môi trường trong sạch. nhưng với sự ô nhiễm cũng như những bất cập mà tôi nói trên thì việc đưa các cháu từ 6 – 12 tuổi cùng nhiều cô giáo trẻ vào môi trường như thế thì đúng là hại nhiều hơn lợi”.
Cùng với việc gửi thư cho bà Trần Thị Thanh Thanh, người dân cũng đã gửi đơn khiếu tố lên các cấp có thẩm quyền để đề nghị không đưa trường tiểu học Phương Liên vào Qui hoạch mới hồ Ba Mẫu.
Ông Thiệu khẳng định, trên đây chỉ là một trong những bất cập của dự án cải tạo hồ Ba Mẫu. Theo ông Thiệu, chính bởi những sự bất cập đó mà người dân không đồng tình và đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp, các ngành chức năng có thẩm quyền suốt bao năm nay.
Nhóm PV Xã hội