Nỗ lực tìm mô hình quy hoạch nông thôn mới





Không phải đến năm 2007, khi UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Đề án Xây dựng quy hoạch phát triển nông thôn mới đến năm 2015, Sở Xây dựng Hải Dương mới vào cuộc. Trước đó, từ năm 2005, Trung tâm Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (thuộc Sở Xây dựng) đã tiến hành lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn cho 27 xã trong tỉnh (trong đó đã có 22 đồ án quy hoạch được UBND các huyện phê duyệt). Và cho đến bây giờ, toàn tỉnh đã có trên 80 xã đã và đang thực hiện quy hoạch điểm dân cư nông thôn, trong đó trên 30 xã đã được phê duyệt. Những cán bộ tâm huyết của Trung tâm vẫn không ngừng dồn tâm huyết tìm kiếm mô hình quy hoạch nông thôn mới.



Giao thông nông thôn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.



Nông thôn cần sự đổi thay


Cũng như nhiều địa phương khác của cả nước, sau hơn 20 năm đổi mới, Hải Dương thu được nhiều thành tựu to lớn. Bộ mặt nông thôn biến đổi từng ngày. Tuy nhiên nông thôn Hải Dương cũng đã và đang tồn tại những vấn đề không nhỏ như khu vực trung tâm xã với các công trình công cộng bố chí phân tán, xen kẽ trong các điểm dân cư. Các khu ở mới được bố trí phân tán, bám theo các trục đường giao thông. Hiện tượng lấn chiếm đất công, vi phạm chỉ giới hành lang an toàn giao thông diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Các công trình nhà ở với kiến trúc pha tạp, không phù hợp với môi trường, văn hoá ở nông thôn. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường vẫn còn lẫn với khu dân cư. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, gây mất vệ sinh vẫn còn tập trung ở các hộ gia đình. Hệ thống hạ tầng tuy đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém. Hệ thống giao thông nhiều nơi nhìn chung đường còn hẹp, khúc khuỷu chưa đảm bảo an toàn cho giao thông cơ giới. Nhiều hộ dân nông thôn vẫn còn phải sử dụng nước chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Hệ thống ao hồ ở nhiều nơi bị san lấp, bên cạnh đó hệ thống cống, rãnh thoát nước ít được quan tâm, đầu tư xây dựng. Các nghĩa trang, nghĩa địa bố trí rải rác, xen lẫn trong các khu sản xuất, gần khu dân cư. Đa số các xã chưa có bãi rác tập trung. Môi trường bị ô nhiễm, tình trạng úng ngập cục bộ khi trời mưa…



Tâm huyết


Thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển nông thôn mới đến năm 2015 của UBND tỉnh, Trung tâm Quy hoạch Đô thị và Nông thôn đã lập đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn cho một số xã. Nhưng trong quá trình lập đồ án còn một số vướng mắc như các tiêu chí, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật nhà nước ban hành còn thiếu, chưa cụ thể. Hơn nữa điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội ở các địa phương rất khác nhau. Để đồ án quy hoạch có tính khả thi cao, phù hợp với từng loại hình điểm dân cư nông thôn (cấp xã), Trung tâm mạnh dạn đề xuất với tỉnh cho triển khai đề tài khoa học Xây dựng mô hình quy hoạch mẫu quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.


Có thể nói, việc nghiên cứu đã được thực hiện bài bản. Trung tâm đã chia 27 xã thành 5 nhóm gồm nhóm xã phát triển chăn nuôi trồng trọt, nhóm xã có di tích văn hoá, cảnh quan, nhóm xã có làng nghề truyền thống, nhóm xã phát triển thương mại, dịch vụ và ven thị và nhóm xã miền núi, trung du. Từ đó, Trung tâm điều tra, khảo sát tình hình hiện trạng kinh tế, xã hội, địa hình, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, nghiên cứu định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện, xác định các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, tính toán quy mô dân số, lao động, quy mô diện tích đất, quy mô và công suất hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Trung tâm đề xuất phương án quy hoạch. Bao gồm quy hoạch định hướng mạng lưới điểm dân cư toàn xã, mạng lưới các công trình công cộng, khu trung tâm xã, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn xã, quy hoạch trung tâm xã. Sau cùng, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu, Trung tâm tiến hành xây dựng mô hình mẫu quy hoạch xây dựng 5 xã điểm, đại diện cho 5 nhóm xã…



Diện mạo nông thôn mới


Chia sẻ về kinh nghiệm nghiên cứu quy hoạch nông thôn, KTS Nguyễn Văn Thường  – Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch Đô thị và Nông thôn cho biết: Trung tâm đã xác lập 3 tiêu chí cơ bản. Nhóm tiêu chí chung xác định thời hạn quy hoạch (tương ứng với với các kỳ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội), ranh giới quy hoạch (tương ứng với Nghị định của chính phủ, thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn) và nội dung cần nghiên cứu quy hoạch (tương ứng với yêu cầu nội dung lập đồ án QHXD điểm dân cư nông thôn).


KTS Thường đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí riêng. Theo đó, đối với các xã có làng nghề sẽ tập trung quy hoạch khu vực sản xuất làng nghề bao gồm không gian sản xuất (làm nghề) tập trung, không gian giao dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kho tập kết hàng hoá, bãi phế liệu và hệ thống cấp điện, cấp thoát nước và xử lý nước thải cho sản xuất (đối với sản xuất cần nước). Với xã trung du, miền núi  sẽ chú trọng quy hoạch không gian kiến trúc lợi dụng địa hình tự nhiên đồi núi sẵn có. Diện tích thổ canh có thể gắn liền với thổ cư. Với xã phát triển chăn nuôi trồng trọt, quy hoạch xây dựng trú trọng một khu vực chuồng trại hoặc một khu vực chế biến nông sản đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước hoặc xử lý nước thải. Đối với xã phát triển thương mại, dịch vụ ven thị, quy hoạch sẽ tập trung cho khu thương mại, dịch vụ bao gồm khu chợ, dịch vụ, quảng bá thương mại và bãi đỗ ôtô để tập kết, chuyên chở hành hoá. Đối với xã có di tích lịch sử, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch sẽ trú trọng bảo tồn khu di tích lịch sử, kiến trúc cảnh quan  gắn với không gian cây xanh, hồ nước, vùng bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc cảnh quan đồng thời nghiên cứu khu vực dịch vụ bao gồm nhà ban quản lý, tiếp khách, nhà nghỉ, khu tổ chức các hoạt động phục vụ lễ hội (nếu có), khu bán đồ cúng lễ, nhà hàng giải khát, bãi đỗ xe…


Phó giám đốc Sở Xây dựng kiêm Giám đốc Trung tâm – KTS Phạm Thị Kim – nhận định: Mặc dù việc nghiên cứu xây dựng mô hình mẫu quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn tỉnh Hải Dương là một đề tài khoa học cấp tỉnh, tuy nhiên kết quả nghiên cứu được áp dụng sẽ có ý nghĩa về nhiều mặt. Đối với các lĩnh vực khoa học liên quan, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn là tiền đề cho việc thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển. Về kinh tế – xã hội, quy hoạch tạo điều kiện khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội, tạo sự liên kết trong vùng, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất đảm bảo cho hợp tác, phát triển bền vững. Đối với lĩnh vực tài nguyên môi trường, đề tài quy hoạch xây dựng mô hình điểm dân cư nông thôn đảm bảo khai thác tiết kiệm hợp lí quỹ đất, bảo vệ môi trường, cảnh quan, bảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài. Đối với đời sống người dân, quy hoạch tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá thể thao, nâng cao dân trí, thoả mãn nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hoá văn nghệ của nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại ở khu vực nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *