Sở Quy hoạch Kiến trúc đề nghị nhà liên kế tại ba tuyến đường mới mở ít nhất phải đồng bộ về mặt đứng.
“Nhà liên kế trong khu hiện hữu dọc theo các tuyến đường mới mở phải đồng bộ về mẫu nhà, ít nhất là về kiến trúc mặt đứng”. Đó là nội dung trong tờ trình Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM vừa gửi UBND Tp về việc ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các tuyến đường đang được mở rộng hoặc tuyến đường xây dựng mới, trước mắt là các tuyến đại lộ Đông Tây, Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài và xa lộ Hà Nội.
Sở QHKT cho hay, nội dung dự thảo chỉ thị tập trung vào xử lý đối với nhà liên kế hiện hữu dọc các trục đường vì đây là hình thức nhà ở phổ biến, gây ảnh hưởng lớn nhất đến bộ mặt cảnh quan kiến trúc. Theo dự thảo, những dự án mở rộng đường hoặc xây dựng trục đường mới khi lập dự án bắt buộc phải nghiên cứu toàn diện quy hoạch chi tiết, cảnh quan và giải pháp quản lý không gian kiến trúc hai bên đường theo đúng quy định Luật Quy hoạch đô thị.
Riêng với các dự án đã và đang mở đường hiện nay (như ba tuyến đại lộ Đông Tây, TSN-BL-VĐN và xa lộ Hà Nội), UBND quận, huyện cần xác định khu vực, ô phố có khả năng xây dựng cải tạo triệt để nhằm phát triển các dự án lớn dọc các tuyến đường hình thành khu nhà ở cao tầng, khu hỗn hợp nhà ở-dịch vụ-thương mại nhiều tầng để tích cực thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị. “UBND quận, huyện có thể kêu gọi các chủ đầu tư hoặc tạm ứng ngân sách để triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu vực dự kiến triển khai thực hiện dự án lớn” – dự thảo chỉ thị nêu.
Một căn nhà siêu mỏng kỳ dị trên mặt tiền đường TSN-BL-VĐN đoạn qua quận Gò Vấp. Ảnh: Cẩm Tú. |
trong thời gian chờ triển khai các dự án lớn, UBND quận, huyện sẽ cấp giấy phép xây dựng tạm theo quy định tại Quyết định 68/2010 của UBND Tp. Để đảm bảo sự đồng bộ về mỹ quan của từng dãy nhà hoặc đoạn phố đang bám theo mặt tiền đường, quận, huyện cần có thiết kế mẫu hoặc quy định cụ thể kiến trúc mặt đứng các dãy nhà này. “Lưu ý quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa việc chia nhỏ, phân lô các khu đất lớn” – Sở QHKT đề xuất.
Sở QHKT cũng đề nghị cần tạo thuận lợi cho người dân khi xây dựng lại nhà ở tại khu vực các dãy nhà ở có hình thức phân lô phù hợp, chất lượng tốt, phù hợp định hướng phát triển không gian. Tuy vậy, quận, huyện cần chú ý cấp phép xây dựng theo cùng mẫu thiết kế (ít nhất là mặt đứng) với các chỉ tiêu theo quy định hiện hành. trường hợp này cũng được xem xét các yếu tố tăng tầng (như thuộc khu vực trung tâm, khu thương mại) theo Quyết định 135/2007 và Quyết định 45/2009.
Riêng khu vực có công trình, cụm công trình cần nghiên cứu bảo tồn, dự thảo chỉ thị yêu cầu cần đánh giá kỹ hiện trạng, kiến trúc để xác định cụ thể công trình cần đưa vào diện bảo tồn. Đối tượng này chỉ được sửa chữa theo nguyên trạng trong quá trình chờ lập thiết kế đô thị.
Cho xây ra sao: Vẫn quận, huyện quyết
trong thời gian qua, do chưa có thiết kế đô thị mà cũng không có quy chế cấp phép xây dựng nên công tác cấp phép xây dựng tại các quận, huyện có ba tuyến đường này đi qua không thống nhất. Có nơi ngưng cấp để chờ thiết kế đô thị, có nơi chỉ cấp tạm, có nơi được một trệt và một lầu… Do đó, UBND Tp đã chỉ đạo Sở QHKT chủ trì xây dựng quy chế tạm thời, làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng trong quá trình chờ thiết kế đô thị.
Tháng 8-2010, Sở QHKT từng họp với các sở, ngành, quận, huyện để bàn về dự thảo quy chế. Sở này đề xuất nhà thuộc khu vực đô thị hiện hữu tại các tuyến đường này được xây tối đa là 5-8 tầng, không phù hợp quy hoạch thì chỉ được xây tạm một trệt, một lầu và một gác lửng. Các căn nhà dọc theo mặt tiền các con đường này phải lùi 3,5 m so với ranh lộ giới và được quy định luôn về màu sắc, phong cách kiến trúc. Cụ thể, không được sử dụng hai màu sơn trên mặt tiền, khuyến khích phong cách đơn giản, hiện đại. Chỉ được cấp phép quảng cáo trên khung kính mặt tiền nhà ở cao độ 3,6-7 m…
Do nhiều quận, huyện không đồng tình với một số nội dung của dự thảo, Sở QHKT đã soạn lại và trình Tp theo hình thức dự thảo chỉ thị tăng cường quản lý, còn giải quyết cấp phép cụ thể như thế nào vẫn là do quận, huyện.
DiaOcOnline.vn – Theo pháp Luật Tp